Siết chi khám chữa bệnh BHYT: Kiến nghị điều chỉnh dự toán chi cho TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
02/08/2019 04:48 GMT+7

Ngày 1.8, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ xung quanh vấn đề giao dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sau khi Báo Thanh Niên phản ánh về việc siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

PGS-TS Tăng Chí Thượng nói và phân tích ở góc độ quản lý nhà nước về quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), với phương thức giao dự toán chi cho cả năm về lý thuyết là không phải lo nguy cơ vỡ quỹ BHYT, mà có tác dụng tích cực buộc các nhà quản lý bệnh viện (BV) phải “siết” chặt chi tiêu hợp lý, nhưng không được gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh (KCB).
Theo ông Thượng, năm 2018, tổng số lượt KCB ngoại trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn là 45,3 triệu lượt, tăng 5,8% so với năm 2017; nội trú là hơn 2,5 triệu lượt, tăng 4% so với năm 2017. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số lượt khám tăng 11,6% và số lượt điều trị nội trú tăng 3%, dự báo cả năm 2019 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2018, vì theo quy luật thì số lượt KCB 6 tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn nhiều 6 tháng đầu năm. Bình quân năm sau tăng 5% so với năm trước.
Những năm qua, ước tính số bệnh nhân các tỉnh (đa tuyến đến ngoại tỉnh) chiếm gần 50% tổng chi phí KCB BHYT tại các BV trên địa bàn TP, 6 tháng đầu năm 2019 cũng ở mức này và các BV đều lo xu hướng sẽ tăng trong thời gian tới. Đa số bệnh nhân về BV TP mắc bệnh nặng, bệnh lý phức tạp đòi hỏi chi phí điều trị cao.
“Với cách giao dự toán chi như hiện nay, số lượt tăng của mỗi năm sẽ không có trong dự toán chi. Tuy biết rằng vẫn còn cơ chế xem xét điều chỉnh bổ sung dự toán nếu cơ sở y tế giải trình hợp lý, nhưng quy trình không đơn giản. Ngoài ra, giao dự toán chi dựa trên tổng chi phí KCB BHYT của năm trước chưa có tác dụng động viên đối với những địa phương có số thu BHYT tăng cao hơn năm trước”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
Với những lý do trên, đại diện ngành y tế TP kiến nghị Hội đồng BHXH VN, Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét và điều chỉnh kịp thời dự toán chi cho phù hợp với thực tế của từng địa phương nhằm ổn định nguồn thu cho các BV (vốn đang tự chủ tài chính) đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT”.
Để không ảnh hưởng đến chất lượng KCB và quyền lợi của người bệnh BHYT khi các BV được giao dự toán chi, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết đã chỉ đạo các BV điều phối và quản lý dự toán chi KCB BHYT đã được giao. Đồng thời thực hiện các giải pháp, như: kê đơn hợp lý và tuân thủ nguyên tắc kê đơn theo quy định; chỉ định nhập viện đúng theo phác đồ; thời gian nằm viện hợp lý, không trì hoãn xuất viện, tăng cường điều trị trong ngày thay vì nhập viện điều trị nội trú (đối với những bệnh lý có chỉ định điều trị trong ngày); chuyển người bệnh về tuyến trước điều trị tiếp khi đã chẩn đoán và điều trị ổn định, nhưng cần được chăm sóc và theo dõi thời gian dài; chỉ định thuốc và kỹ thuật chẩn đoán, kỹ thuật điều trị có chi phí lớn phù hợp; phân bổ tỷ lệ hợp lý giữa các nhóm thuốc, vật tư y tế có chi phí cao và chi phí thấp trong hoạt động đấu thầu, mua sắm của BV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.