Từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.400 ca, trong đó 3 người tử vong. H.Châu Đức tăng mạnh, với hơn 1.162 ca, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái... Đáng lưu ý, tại BR-VT có hơn 90% số ca SXH là người lớn (3 ca tử vong đều là người lớn).
Theo phân tích của Viện Pasteur TP.HCM, nguyên nhân là chưa tìm và xác định đúng vật chứa lăng quăng để xử lý. Tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng nằm trong các vật dụng phế thải, máng nước uống cho vật nuôi, chậu kiểng. Những khu vực đất trống, công viên, nghĩa trang cũng có nhiều vật dụng chứa nước làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng chưa có biện pháp thuyết phục, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh, diệt lăng quăng phù hợp, chủ yếu chỉ là phát tờ rơi tuyên truyền.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng SXH ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và BR-VT nói riêng đang diễn biến phức tạp. Trước đây, các ổ lăng quăng chủ yếu có trong lu, chum, vại, bình hoa, chậu kiểng thì nay còn là hốc tường nhà cao tầng, vật dụng ở các công trình xây dựng, vật dụng phế thải...
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân nhập cư vào các tỉnh, thành này khá cao, họ chưa có miễn dịch cộng đồng nên rất dễ bị SXH và làm lây lan dịch bệnh. Khí hậu ấm lên, chủng vi rút thay đổi cũng là những nguyên nhân khiến SXH gia tăng.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, việc cần tập trung thực hiện ngay từ bây giờ là dập dịch diện rộng trên toàn tỉnh BR-VT, tổ chức diệt lăng quăng thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các địa phương chứ không chỉ tập trung vào những điểm “nóng”.
Bình luận (0)