Ngực biến dạng sau sự cố
Ngày 8.4, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, cho biết đơn vị vừa phẫu thuật, điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân (46 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị vỡ túi ngực silicone không triệu chứng sau 10 năm.
Cụ thể, ngày 30.3, bệnh nhân nhập viện. Ngày 31.3, bệnh nhân được phẫu thuật và ngày 7.4 xuất viện, sau khi bình phục, hết âu lo.
Thạc sĩ - bác sĩ (ThS.BS) Lê Hồng Phúc, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, phụ trách Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện, Trưởng ê kíp thực hiện ca phẫu thuật, cho biết bệnh nhân đã đặt túi ngực silicone được 10 năm, trong một tháng gần đây bệnh nhân có xuất hiện căng tức kèm nóng vùng ngực trái nên đi bệnh viện khám...
Tại bệnh viện, qua khám lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện toàn thân sốt nhẹ, vùng vú trái biến dạng so với bên phải, thể tích vú tăng, mất cân đối, ấn đau... Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm và phát hiện túi ngực trái biến dạng.
Sau khi chụp MRI phát hiện hình ảnh túi ngực trái của bệnh nhân bị vỡ, túi ngực gián đoạn, tách thành 3 khoang trong bao xơ, với hình ảnh silicone cả hai mặt nếp gấp, bao xơ khoang đặt túi dày hơn bên phải; bệnh nhân được nhận định đây là trường hợp vỡ túi ngực sau đặt túi gel silicone. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở Huế được khám và phát hiện liên quan đến biến chứng này.
“Ca phẫu thuật tiến hành trong 90 phút. Chúng tôi đã chỉ định bệnh nhân cần phẫu thuật lấy túi ngực 2 bên và thay túi mới; tuy nhiên do nhu cầu bệnh nhân chỉ tháo túi (không đặt mới) nên bệnh nhân được nạo hút sạch gel silicone, lấy túi bị vỡ, đồng thời cắt bỏ bao xơ. Chúng tôi cũng đã tiến hành súc rửa nhiều lần đến khi sạch, đặt dẫn lưu và đóng da. Sau một tuần điều trị, theo dõi, nữ bệnh nhân vừa được xuất viện”, BS Phúc thông tin.
|
Cần đi khám định kỳ sau khi đặt túi ngực
Dẫn thông tin từ Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA), BS Phúc cho biết chỉ có 30% các trường hợp vỡ túi ngực được phát hiện trên lâm sàng. Đối với loại túi ngực nước biển, dễ dàng chẩn đoán vỡ túi ngực hơn vì thay đổi về mặt kích thước rõ ràng. Còn túi ngực gel silicone, tiến triển lâm sàng thường thầm lặng, vỡ túi ngực thường chỉ phát hiện qua siêu âm vú và chụp MRI. Vì vậy, bệnh nhân không được chẩn đoán kịp thời sẽ dễ gây biến chứng.
Cũng theo BS Phúc, bên cạnh đó đối với các bệnh nhân đặt túi nhám cần chú ý khuyến cáo gần đây của FDA là cần lưu ý đến những biến chứng ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ. Do đó, việc tái khám định kỳ khi đặt túi ngực, túi ngực silicone là rất cần thiết, đặc biệt là sau 5 năm và nhất là với những ai đã đặt loại túi nhám (texture) trước đây (hiện nay chủ yếu là đặt túi trơn).
Bình luận (0)