Trẻ khỏe vẫn có thể bị nhồi máu cơ tim cấp

28/07/2019 04:46 GMT+7

Thời gian gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Có không ít trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30.

Bệnh nhân 25 tuổi

Vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã chụp mạch vành và can thiệp đặt stent thành công cho một bệnh nhân (BN) bị nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, BN này còn trẻ và chưa có bệnh lý mạn tính trước đây.
Theo bác sĩ Ngô Võ Ngọc Hương, Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, H.V.L (nam, 25 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện sau 3 ngày đau nhức toàn thân, khó thở, phải nằm đầu cao, sốt nhẹ, ho đàm đục. Đặc biệt, BN đau vùng ngực trái liên tục và mức độ trung bình đến nặng, ngày càng tăng. Gia đình BN cho biết anh H.V.L hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính và tiền căn gia đình không ghi nhận bệnh gì nổi bật. Tuy nhiên, BN có hút thuốc lá nhiều.
Các xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải của BN đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, men tim tăng quá cao trên một BN trẻ tuổi nên các bác sĩ nghĩ đến bệnh viêm cơ tim cấp thay vì nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó, với kết quả điện tim và chụp mạch vành thì cuối cùng các bác sĩ xác định BN bị nhồi máu cơ tim cấp. BN đã được đặt stent mạch vành thành công, hết đau ngực, tươi tỉnh hơn, bớt khó thở, ăn uống khá hơn và cử động được nhẹ nhàng trên giường.
Sau 5 ngày điều trị, anh H.V.L được xuất viện và phải uống thuốc mỗi ngày theo toa, cũng như khám hằng tháng tại chuyên khoa tim mạch.

Cảnh giác triệu chứng bệnh

Theo PGS-TS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm tim mạch (Đại học Y Dược TP.HCM): Nhồi máu cơ tim cấp có thể đe dọa đến tính mạng, là kết quả của sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn lưu lượng máu đến nuôi động mạch vành thường do huyết khối. Huyết khối thường được hình thành ngay tại vị trí của mảng xơ vữa động mạch. Cơ chế hình thành cục huyết khối rất phức tạp, phụ thuộc vào tuổi và giới tính.
Đặc biệt, ghi nhận tại các bệnh viện thời gian gần đây, không ít trường hợp BN nhồi máu cơ tim nhập viện cấp cứu chỉ dưới 30 tuổi. Các bác sĩ cảnh báo, tuổi trung bình của BN nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa, xảy ra ở tuổi còn trẻ và sung sức. Vì thế, những người đang ở tuổi thanh niên cần chú ý không chủ quan với bệnh này.
Bác sĩ Bình cho biết, biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính. Cụ thể: đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm, vai hoặc tay trái. Cơn đau gây cảm giác nghẹn, thắt chặt hay đè ép; đau ngực dữ dội làm cho người bệnh không thể chịu nổi. Những cơn đau này thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút và không giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng đi kèm như vã mồ hôi, khó thở, có thể ngất. Một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, choáng tim và đột tử.
“Chính vì tính chất nguy hiểm của bệnh mà khi có các triệu chứng như trên, đặc biệt là cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10 - 20 phút không đỡ, người bệnh nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Bình khuyến cáo.
Bác sĩ Ngô Võ Ngọc Hương cho biết các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp cần được tái lưu thông mạch vành sớm. Đồng thời, các bác sĩ cũng cần tìm nguyên nhân gây ra cơn nhồi máu cơ tim để khuyến cáo bệnh nhân, nhằm giảm thiểu khả năng tái phát, gây suy tim về sau.
Các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim thường được ghi nhận do hút thuốc lá nhiều; thừa cân, béo phì; có hội chứng chuyển hóa; rối loạn đông máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
Các bác sĩ khuyên, để phòng tránh bệnh, mọi người cần có lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục thường xuyên. Người dân nên khám kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm định kỳ để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.