Tự vệ trước ô nhiễm không khí, bụi mịn

13/10/2019 09:30 GMT+7

Đeo khẩu trang đúng cách, nhỏ mũi, nhỏ mắt và tăng cường sức đề kháng... là cách người dân có thể áp dụng để tự vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn hiện nay.

Đeo khẩu trang đúng cách, đúng loại

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), trong điều kiện không khí ô nhiễm, mọi người khi ra đường cần phải đeo khẩu trang đúng cách, đúng loại. BS Oanh cho biết, có 2 loại khẩu trang có tác dụng bảo vệ, phòng ngừa cho người dân là khẩu trang than hoạt tính và khẩu trang N95.
Khẩu trang than hoạt tính bao gồm 3 lớp: lớp đầu tiên cản bụi cơ học, lớp thứ hai chứa than hoạt tính có chức năng trung hòa các hợp chất, lớp vải trong cùng mềm mịn, tạo sự thoải mái. Đặc biệt, chỉ có khẩu trang N95 hay còn gọi là khẩu trang đặc chủng mới có thể ngăn cản bụi mịn PM 2.5, các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): “Khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường chỉ có thể lọc được các bụi lớn, hoặc vi khuẩn, vi sinh vật, còn bụi mịn thì không lọc được. Đặc biệt, khi dùng khẩu trang vải, người dân cần chú ý giặt sạch, phơi khô. Khẩu trang không sạch là môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển, mang mầm bệnh và có thể gây hại đường hô hấp”.

Vệ sinh mắt, mũi đúng cách

BS Huỳnh Thị Chiêu Oanh khuyên người dân nên vệ sinh mắt trong các trường hợp: sau khi ra đường, ở nơi ô nhiễm không khí nhiều, khi thức dậy vào buổi sáng hoặc khi tiếp xúc ở môi trường có nguy cơ lây bệnh cao (khói thuốc, nấm mốc, bụi bẩn, vi khuẩn trong hồ bơi…), khi ngồi điều hòa nhiều. Đặc biệt, bệnh nhân bị viêm xoang, viêm mũi đều phải xịt rửa mũi hằng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mọi người có thể nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc xịt mũi bằng dung dịch nước biển sâu. “Lưu ý, khi sử dụng các dung dịch rửa mũi, lượng xịt phải vừa đủ, nếu xịt quá mạnh và nhiều có thể đẩy dịch nhầy từ mũi vào tai giữa gây viêm tai giữa, xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi hay làm kích ứng niêm mạc mũi”, BS Oanh hướng dẫn. Mỗi ngày chỉ cần nhỏ/xịt mũi 2 lần, mỗi lần 3 nhát xịt vào mũi sẽ giúp dự phòng, làm sạch và loại bỏ các tác nhân gây bệnh ở vị trí xa nhất của khoang mũi.
“Tuy nhiên, những dung dịch này cũng chỉ giúp làm sạch khoang mũi bên ngoài. Bụi mịn đã đi xuống đường hô hấp thì dung dịch rửa mũi thông thường không có hiệu quả. Tốt nhất, người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài”, BS Oanh nói thêm.

Tăng cường sức đề kháng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ em là đối tượng dễ bị tổn hại đến sức khỏe nhiều nhất khi môi trường thay đổi, ô nhiễm. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần chăm sóc, giữ vệ sinh và dinh dưỡng tốt cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, trẻ nhỏ cần bú đủ, trẻ lớn cần uống đủ nước. Chích ngừa đủ các loại vắc xin cần thiết cho trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ngủ đủ giấc, tốt nhất không ngủ trễ hơn 21 giờ vì giấc ngủ sâu từ 21 đến 5 giờ sáng hôm sau rất quan trọng để tạo miễn dịch tăng sức đề kháng.
Đặc biệt, cần giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, quét/hút bụi thường xuyên; nhiệt độ trong phòng tránh nóng quá hoặc lạnh quá, nằm máy lạnh thì để 27 - 28 độ, không tắm lâu, không tắm nhiều lần.
Trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi nhẹ thì phụ huynh nhỏ mũi, bôi dầu lòng bàn chân, có thể uống thuốc ho thảo dược và điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp.
Đối với người lớn tuổi, BS Oanh lưu ý thêm: Trong những ngày bụi mù dày đặc, mọi người tránh ra ngoài quá sớm để tập luyện thể dục, nên đi bộ, sưởi nắng khi mặt trời bắt đầu lên.
BS khuyên mỗi người dân nên đi khám sức khỏe tổng quát hằng năm. Đặc biệt, những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên khám theo lịch hẹn của BS. Nếu bệnh nhân sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, cảm thấy cơ thể có tình trạng viêm như ho nhiều, lượng đờm nhiều, tức ngực, nặng ngực, khó thở... thì cần đi khám ngay.
Bụi mịn PM 2.5 là gì ?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với bụi kích cỡ từ 0,01 - 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM 2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.
Theo các chuyên gia, khi lựa chọn khẩu trang, nên lưu ý những thông tin của khẩu trang như các chỉ số chống bụi theo tiêu chuẩn Mỹ hoặc châu Âu, được các tổ chức quốc tế uy tín công nhận. Cụ thể, với tiêu chuẩn lọc NIOSH của Mỹ, được thử nghiệm với bụi kích thước 0,3 micromet (kích cỡ bụi khó lọc nhất), có các chỉ số như: N95 nghĩa là lọc 95% với bụi gốc vô cơ, N99 có nghĩa là lọc 99% với bụi gốc vô cơ, N100 có nghĩa là lọc 99,97% với bụi gốc vô cơ... Khẩu trang cần phải ôm kín tối ưu gương mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.