Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

Ngọc Quý
Ngọc Quý
01/10/2019 08:27 GMT+7

Chỉ cần xét nghiệm nước tiểu, các nhà khoa học có thể phát hiện ung thư tuyến tụy. Điều đặc biệt là phương pháp mới này có thể phát hiện ung thư ngay cả khi đang ở giai đoạn đầu, giúp nâng cao đáng kể khả năng sống.

Phương pháp xét nghiệm nước tiểu này hoạt động bằng cách đo nồng độ của 3 loại protein khác nhau. Những protein này là dấu ấn sinh học báo hiệu người bệnh đang trong giai đoạn đầu mắc ung thư tuyến tụy, theo EurekAlert.
Bằng cách phát hiện các dấu ấn sinh học, phương pháp xét nghiệm nước tiểu cho thấy tỷ lệ phát hiện chính xác lên đến 95 % với các mẫu bệnh ung thư tuyến tụy.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học Queen Mary London (Anh) thực hiện, dẫn đầu là giáo sư Tatjana Crnogorac-Jurcevic.
Phương pháp đang được tiến hành lâm sàng trên người, kéo dài trong khoảng 4 năm. Theo đó, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trên 3.000 người.
Sau khi thử nghiệm thành công, đây sẽ là phương pháp xét nghiệm không xâm lấn đầu tiên trên thế giới có thể giúp các bác sĩ phát hiện ung thư tuyến tụy ngay khi bệnh ở giai đoạn đầu. Đây là loại ung thư có nguy cơ tử vong cao.
Nếu ung thư tuyến tụy được phát hiện sớm, người bệnh có thể được phẫu thuật và nâng cao đáng kể khả năng sống sót.
Các thống kê ở Anh cho thấy mỗi năm có gần 10.000 người bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 đến 100 người sống sót từ 5 năm trở lên. Đây là tỷ lệ sống sót thấp nhất trong số các loại ung thư phổ biến. Con số này đã không cải thiện trong suốt 40 năm qua.
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sống khi mắc ung thư tuyến tụy thấp là do chẩn đoán muộn. Hơn 85 % bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến tụy khi bệnh đã đến giai đoạn tiến triển. Lúc này, bệnh đã nặng đến mức quá muộn để phẫu thuật và có rất ít lựa chọn điều trị. Phần lớn sẽ chết sau 6 đến 12 tháng, theo EurekAlert.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.