Xử trí khi phơi nhiễm HIV

14/07/2015 00:00 GMT+7

Phơi nhiễm HIV luôn có thể xảy ra trong quá trình điều trị, chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, nếu xử trí kịp thời sẽ hoàn toàn tránh được vi rút gây bệnh.

Phơi nhiễm HIV luôn có thể xảy ra trong quá trình điều trị, chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, nếu xử trí kịp thời sẽ hoàn toàn tránh được vi rút gây bệnh.

Vi rút HIV không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường Vi rút HIV không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều tình huống phơi nhiễm

Theo thống kê tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (đơn vị đầu mối về điều trị phơi nhiễm HIV của Hà Nội), có rất nhiều điều dưỡng, bác sĩ, sinh viên ngành y phơi nhiễm HIV do sự cố kim tiêm, kim truyền dịch, kim lấy máu xét nghiệm đâm vào tay. Ngoài Bệnh viện đa khoa Đống Đa, các bệnh viện khác như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Lao, đều có các y bác sĩ bị phơi nhiễm.

Những cách xử trí

- Phơi nhiễm HIV do tổn thương da chảy máu: xối ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

- Phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: rửa sạch bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0.9% liên tục trong 5 phút.

- Phơi nhiễm qua miệng, mũi: rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0.9%; xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0.9% nhiều lần.

Th.S-BS Phạm Bá Hiền

Điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền, công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa từng bị phơi nhiễm HIV do kim tiêm của bệnh nhân AIDS đâm sâu vào ngón tay. Mới đây, một điều dưỡng cũng ở bệnh viện này, trong lúc vận chuyển hộp an toàn (chứa bơm kim tiêm đã sử dụng) đưa đi tiêu hủy đã bị kim tiêm đâm vào tay. Trường hợp khác là nam bác sĩ công tác tại Trung tâm y tế Q.Thanh Xuân bị phơi nhiễm trong một lần lấy máu của phạm nhân có HIV. Sự cố xảy ra khi bơm kim tiêm của xi lanh đầy máu này đâm vào tay bác sĩ. “Chúng tôi từng cấp cứu cho bệnh nhân tự tử, người này đã lấy dao đâm vào bụng. Khi thấy bệnh nhân chảy máu dữ dội, các y bác sĩ lao vào cấp cứu, cầm máu, gỡ dao. Đó thực sự là tình huống nguy cơ phơi nhiễm”, Th.S-BS Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, chia sẻ.

Thống kê của ngành y tế cho thấy mỗi năm có gần 1.000 trường hợp nhân viên, sinh viên ngành y bị phơi nhiễm HIV trong quá trình thực hiện chuyên môn.

Điều trị dự phòng sớm

Theo điều dưỡng Trần Thị Phương Thảo, phụ trách phòng điều dưỡng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, nơi đây liên tục tiếp nhận các trường hợp có HIV mới đến khám, xét nghiệm và hiện có gần 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Họ sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, được xét nghiệm, cấp thuốc miễn phí. Ngoài ra, tại bệnh viện thường xuyên có 10 - 20 bệnh nhân AIDS điều trị nội trú. “Rất nhiều yếu tố nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS nhưng hoàn toàn có thể dự phòng, bảo vệ bản thân và hỗ trợ bệnh nhân. Tỷ lệ lây nhiễm HIV chiếm khoảng 0,3% trong tình huống phơi nhiễm do vật sắc nhọn gây nên”, điều dưỡng Phương Thảo cho biết.

Bác sĩ Phạm Bá Hiền lưu ý, phơi nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C) do các tình huống: kim đâm khi làm các thủ thuật tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, chọc dò; vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh; tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, dịch của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, viêm loét từ trước) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng). Quá trình chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng cũng có thể xảy ra các tình huống phi nhiễm. Không có nguy cơ phơi nhiễm khi: máu và dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành.

Khi xảy ra sự cố phơi nhiễm, cần xử lý kịp thời tại vết thương và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Nếu dùng thuốc trễ (sau 72 giờ đầu) thì không có hiệu quả. Người bị phơi nhiễm cần làm các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.