Đối diện HIV để cứu người

10/07/2015 05:26 GMT+7

Chiều 9.7, Sở Y tế Hà Nội đã khen thưởng tập thể 18 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản bị phơi nhiễm HIV sau khi đã kịp thời cứu chữa bệnh nhân HIV vào viện trong tình trạng ngưng tim.

Chiều 9.7, Sở Y tế Hà Nội đã khen thưởng tập thể 18 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản bị phơi nhiễm HIV sau khi đã kịp thời cứu chữa bệnh nhân HIV vào viện trong tình trạng ngưng tim.

 Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
 Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội
 - Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, chia sẻ: “Qua sự việc này cần rút kinh nghiệm đối với BV và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các BV phụ sản khác.
Cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu, bởi sẽ có những trường hợp nhiễm HIV như trường hợp bệnh nhân H., không kịp chuyển đến phòng mổ. Trong khi đó thông thường các BV chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật”.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2013 và 2014, mỗi năm có hơn 950 ca phơi nhiễm HIV trong quá trình điều trị, cấp cứu người bệnh. Còn theo thống kê tại Khoa Truyền nhiễm - BV đa khoa Đống Đa, đơn vị đầu mối về điều trị phơi nhiễm HIV của Hà Nội, rất nhiều điều dưỡng, bác sĩ, sinh viên y phơi nhiễm HIV do sự cố kim tiêm, truyền dịch, lấy máu xét nghiệm.
Điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền, công tác tại Khoa Truyền nhiễm, BV đa khoa Đống Đa là trường hợp đầu tiên tại đây bị phơi nhiễm HIV. Sự việc xảy ra năm 2001 khi chị đặt kim truyền dịch cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Do bệnh nhân có bệnh về não, bị co giật tay nên đã khiến kim tiêm bật lại đâm khá sâu vào ngón tay của chị. Đây là kim đang truyền dịch bị chệch ven nên có dính máu của người bệnh. 14 năm trước, khi người nhiễm HIV còn bị xa lánh và thuốc điều trị còn rất khó khăn nên sự cố đó thực sự gây lo ngại trong toàn BV. Rất may mắn, chị Hiền đã hoàn toàn âm tính với HIV nhờ điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng vi rút.
Trường hợp khác là nữ điều dưỡng Phạm Thị Hạnh, đồng nghiệp của chị Thu Hiền cũng bị phơi nhiễm khi cấp cứu bệnh nhân HIV. Khoảng 5 năm trước, một bệnh nhân có HIV là nam giới, 34 tuổi bất ngờ bị nôn ộc ra máu lênh láng khắp sàn buồng bệnh. Người thân của bệnh nhân rất sợ hãi nhưng chị Hạnh vẫn có mặt kịp thời, đỡ bệnh nhân và nhanh chóng lau dọn máu.
Các đồng nghiệp cùng hỗ trợ chị đưa bệnh nhân chuyển cấp cứu tại BV Xanh Pôn, cầm máu kịp thời. “Sau sự cố đó, bệnh nhân từ chỗ chán nản đã yên tâm điều trị, hiện nay vẫn đến BV lĩnh thuốc đều, có sức khỏe ổn định”, chị Hạnh cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng, có yếu tố nguy cơ phơi nhiễm trong công việc nhưng nếu có hiểu biết, mình có thể dự phòng được, bảo vệ bản thân và hỗ trợ được bệnh nhân”, chị Hạnh chia sẻ thêm.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, khi bị phơi nhiễm, thuốc dự phòng cần được uống càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ đầu sau khi phát hiện. Sau thời điểm này, hầu như không có tác dụng bảo vệ. May mắn là cho đến nay, hàng ngàn nhân viên y tế bị phơi nhiễm trong các năm qua, chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV.
Xả thân bắt tội phạm
Ngày 16.6, chiến sĩ công an Đ.T.L (sinh viên Trường trung cấp CSGT, đang thực tập tại Công an H.Ngọc Hồi, Kon Tum) tham gia bắt giữ 3 kẻ tàng trữ ma túy trú tại thị trấn Plei Kần, H.Ngọc Hồi, trong đó có Đào Thế Cương vốn có 3 tiền án, đang bị AIDS giai đoạn cuối với nhiều vết lở loét trên người, và đã bị phơi nhiễm HIV. Chiến sĩ L. bộc bạch rằng khi bắt tội phạm, anh không nghĩ đến chuyện nghi phạm bị AIDS giai đoạn cuối, mà chỉ cố gắng khống chế cho bằng được.
Lãnh đạo Công an H.Ngọc Hồi cho hay đơn vị luôn động viên tinh thần, tạo điều kiện cho chiến sĩ L. nghỉ ngơi, điều trị bệnh; đồng thời thanh toán toàn bộ chi phí liên quan.
Phạm Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.