CHDCND Triều Tiên được cho là có nhiều đơn vị đặc nhiệm tác chiến mạng với tổng cộng gần 6.000 chiến binh tinh nhuệ.
Một lớp đào tạo tài năng mạng của Đại học Quân sự Kim Nhật Thành - Ảnh: The Star
|
Triều Tiên đang trở thành tâm điểm trong các lo ngại về an ninh mạng sau khi tin tặc bị cho là có nguồn gốc từ nước này tấn công hệ thống tại Mỹ của Hãng phim Sony liên quan đến bộ phim hài gây tranh cãi The Interview (tạm dịch: Cuộc phỏng vấn).
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đang gấp rút tăng cường thắt chặt an ninh mạng trong khi các nhà điều tra Hàn Quốc nghi ngờ miền Bắc đứng sau vụ rò rỉ thông tin của Công ty thủy điện và năng lượng hạt nhân Hàn Quốc (KHNP), chịu trách nhiệm điều hành các nhà máy điện hạt nhân nước này hồi đầu tuần, theo Reuters.
Dù Triều Tiên cực lực bác bỏ mọi cáo buộc nhưng nước này cũng không giấu giếm việc mình sở hữu một đội quân chiến binh mạng tinh nhuệ. Cuối năm ngoái, tờ Chosun Ilbo từng dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố cùng với vũ khí hạt nhân và tên lửa, khả năng tác chiến mạng là “vũ khí thần kỳ” giúp quân đội Triều Tiên có thêm sức mạnh để “tấn công không thương tiếc nhằm vào kẻ thù”.
Bản doanh bên kia biên giới
Các đơn vị tác chiến mạng của Triều Tiên hiện nay được cho là thuộc Tổng cục Trinh sát (GBR) hoặc Bộ Tổng tham mưu. Trong số này, khét tiếng nhất là Đơn vị 121 chuyên xâm nhập mạng máy tính để lấy tài liệu mật hoặc phát tán vi rút. Reuters dẫn lời ông Jang se-yul, từng là chuyên gia công nghệ ở Triều Tiên trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc cách đây 6 năm, tiết lộ Đơn vị 121 có khoảng 1.800 người và được xem là đơn vị chiến tranh mạng lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Đơn vị 121 bị cáo buộc gây ra vụ sập hệ thống liên lạc của quân đội Hàn Quốc hồi năm 2004 để trả đũa một cuộc tập trận chung lớn giữa miền Nam và Mỹ, theo tờ The Telegraph.
Ngoài ra, theo báo cáo của tình báo Mỹ, do cơ sở hạ tầng internet của Triều Tiên không thể đáp ứng nhu cầu nên Đơn vị 121 chủ yếu hoạt động tại khách sạn mang tên Chilbosan ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Tờ Daily Mail dẫn báo cáo trên cho hay khách sạn 16 tầng này hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh Triều - Trung với đầy đủ tiện nghi sang trọng và kết nối internet băng thông rộng. Đáng chú ý là theo Yonhap ngày 24.12, giới điều tra Hàn Quốc xác định kẻ tấn công hệ thống của KHNP “sử dụng địa chỉ IP của một thành phố ở Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, GBR được cho là nắm trong tay Văn phòng số 91 (chịu trách nhiệm tấn công mật mã) và Văn phòng 3132 (tác chiến tâm lý điện tử) còn Bộ Tổng tham mưu quản lý Đơn vị 204 chuyên tiến hành tâm lý chiến qua mạng. Tính đến nay, lực lượng mạng Triều Tiên có gần 6.000 người, gần gấp đôi so với 2 năm trước, theo tờ The Korea Herald.
Khách sạn Chilbosan ở Thẩm Dương bị cho là cơ sở hoạt động của chiến binh mạng Triều Tiên - Ảnh: Business Insider
|
Lực lượng thần đồng
Triều Tiên bắt đầu chiến lược đào tạo lực lượng tác chiến mạng từ giữa thập niên 1980, tập trung những học sinh xuất sắc về toán và tin học từ khắp cả nước về Bình Nhưỡng để tuyển lựa gắt gao. Cựu Giáo sư Kim Heung-kwang, đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2004, tiết lộ với Hãng tin Al-Jazeera: “Có một hệ thống tuyển chọn thần đồng, trong đó những đứa trẻ thông minh, giỏi về toán, mã hóa và có kỹ năng phân tích thiên phú sẽ được chọn”.
Những người này sẽ được gửi đến 4 đại học danh tiếng của Triều Tiên (gồm Đại học Quân sự Kim Nhật Thành, Đại học Tự động hóa (UA), Đại học Công nghệ Kim Chaek và Đại học Moranbong - NV) để được đào tạo nâng cao. Trong số đó, UA là lò đào tạo hơn 100 chuyên gia tác chiến mạng mỗi năm.
Sau khi tốt nghiệp, những thần đồng khi xưa sẽ trở thành chiến binh trên thế giới ảo tinh nhuệ và được hưởng nhiều đặc quyền. Ông Jang se-yul, người từng học tại UA trước khi đào tẩu, khẳng định với Reuters rằng một số bạn học của ông làm việc trong Đơn vị 121 được cấp một căn hộ lớn trong khu vực trung tâm Bình Nhưỡng. “Chính sách khuyến khích dành cho các chuyên gia mạng Triều Tiên rất mạnh. Họ là những người giàu ở Bình Nhưỡng”, ông Jang khẳng định.
Internet tại Triều Tiên tiếp tục sập
Hôm qua, mạng internet của CHDCND Triều Tiên ngừng hoạt động ngày thứ hai liên tiếp và các trang mạng chính như website của Hãng thông tấn KCNA cũng như tờ Rodong Sinmun đều không thể truy cập được. Vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau sự cố bất thường này nhưng AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng có thể do tin tặc tấn công, làm dấy lên nghi ngờ về một chiến tranh mạng giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhà Trắng từ chối xác nhận có dính líu đến vụ này hay không còn Trung Quốc khẳng định không liên quan.
Cũng trong ngày 24.12, Reuters đưa tin Hãng phim Sony Pictures quyết định phát hành hạn chế bộ phim The Interview tại khoảng 200 - 300 rạp chiếu vào ngày Giáng sinh (giờ Mỹ). Trước đó, Sony hứng nhiều chỉ trích khi tuyên bố không phát hành bộ phim hài có nội dung về âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi bị tin tặc tấn công và đe dọa.
H.G
|
Bình luận (0)