>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 1: Tuổi 18 giữa sóng nước biển Đông
>> Thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm: Đừng để Trung Quốc lấn tới
>> Tấn công tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đang thực thi ý đồ độc chiếm biển Đông
>> Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
>> Thêm tàu hải giám Trung Quốc đến bãi Cỏ Mây ở Trường Sa
>> Đề nghị đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp
Cửa Việt, giờ là một đô thị nằm phía đông H.Gio Linh (Quảng Trị), là điểm mút cuối cùng của con đường xuyên Á thẳng tít. Dù không còn cảnh nghèo nàn của một làng chài ven biển nhưng đến bây giờ, người dân Cửa Việt vẫn sống với nhau bằng cái tình thuở ban đầu: cái tình của những người đi biển.
|
Nghĩa tình nơi cửa bể
Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, tôi tìm đến ông Bùi Đình Sành (64 tuổi, trú KP.5).
|
Ở nơi này, ông Sành được ví là cái “đài” di động, bởi ông là người trực tiếp ghi nhận mọi thông tin từ ngư dân, xử lý trước khi báo lên cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.
Ông Sành còn có một cái chức “dài loằng ngoằng” do cánh thợ thuyền bầu ra là: “Trưởng ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển KP.5, thị trấn Cửa Việt”.
Dưới chân cầu Cửa Việt lồng lộng gió, ông Sành chỉ tay về phía bến tàu bảo: “Đấy, tàu của anh em chúng tôi đấy. Ở thị trấn này, số lượng tàu của khu phố này là đông nhất”.
Thông tin từ lão ngư dân đã “bước lên bờ” cả chục năm cho hay riêng ở KP.5 có 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và trung bờ (có công suất từ 300 mã lực trở lên). Phạm vi hoạt động của các tàu này kéo dài từ Vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Kiên Giang. Riêng năm 2012, sản lượng đánh bắt đã đạt khoảng 2.000 tấn hải sản.
Có lẽ chính vì số lượng tàu “khủng”, sản lượng “khủng” (so với một khu phố) nên trước đây, dù không bạc bẽo đến nỗi “mệnh ai nấy lo” nhưng sự liên kết của anh em xóm chài là rất rời rạc.
“Phải có tổ chức, phải có đoàn thể mới tập hợp mọi người lại với nhau được. Chứ chỉ nói khơi khơi, hôm ni chơi với nhau hôm sau lại bỏ nhau là không bền”, ông Sành đánh bép vào đùi, nói vẻ tâm đắc...
Vậy là vào năm 2009, “Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển KP.5, thị trấn Cửa Việt” ra đời với “đầu não” là 6 thành viên, ngoài ông Sành, 5 người còn lại là 5 vị thuyền trưởng có uy tín nhất trong khu phố. Ban đầu còn chia ra làm 4 tổ theo từng nghề: như tổ rê khơi; tổ lưới bùng nhùng; tổ rập ghẹ, cá chim; tổ trung bờ.
|
“Các thuyền trưởng thường xuyên liên lạc qua máy bộ đàm từ xa. Nếu trong tổ, nhóm có chiếc đánh trúng cá thì lên máy thông tin cho nhau để cùng đánh bắt. Khi sản xuất, tàu nào bị sự cố thì cũng kịp thời thông báo để tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Thậm chí, khi tàu đậu trong cảng rồi, cái ban này cũng phải quản lý, tránh tình trạng có xích mích, đánh nhau hay trộm cắp”, ông Bùi Đình Tấn, thuyền trưởng tàu QT 91119 nói chen vào.
Nhật ký biển
Muốn biết cái ban tự quản những ngư phủ này hoạt động hiệu quả như thế nào thì chỉ cần lướt qua cuốn “nhật ký” của ban. Bởi không một ngôn từ nào diễn đạt hiệu quả bằng những câu chữ đó. Ngày giờ, chi tiết, được ông Sành và nhóm “đầu não” ghi chép lại rất tỉ mỉ, khoa học...
Nói như ông Sành thì “tuy cái ban này nhỏ như cái chi cũng phải mần, cái chi cũng phải biết”.
|
Người viết xin trích một số đoạn trong nhật ký:
“Ngày 21.12.2012, tàu của ông Bùi Đình Cam đang hành nghề tại tọa độ 16,21 độ N; 107,45 độ E phát hiện 1 tàu mang quốc tịch Malaysia chở khí đốt tự bốc cháy. Tàu anh Cam đã báo về Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt và sẵn sàng ứng cứu nhưng do chủ tàu Malaysia không đồng ý nên chỉ cung cấp nước uống và thức ăn cho thủy thủ của họ”.
“Trong 2 ngày 13 và 14.12.2012, các tàu của ông Võ Minh Hải và tàu của ông Bùi Đình Tấn đã báo cáo cho Ban và Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt về 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm sâu lãnh thổ của ta, cách đảo Cồn Cỏ 33 hải lý về phía Đông Nam, tại tọa độ 17,03 độ N; 107,45 độ E. Sau đó, lực lượng biên phòng đã cho tàu ra xua đuổi kịp thời”.
“Ngày 2.1.2012, tàu ông Võ Tứ bị hỏng máy cách cửa Thuận An (Thừa Thiên-Huế) 30 hải lý về hướng Đông Nam. Ban đã kêu gọi tàu của ông Võ Công Lập vượt gió cấp 5, 6 để ra kéo tàu ông Tứ vào bờ an toàn”.
“Ngày 12.1.2012, tàu ông Võ Minh Hải bị tàu Trung Quốc cán đứt 70 tấm lưới bùng nhùng thưa (trị giá mỗi tấm lên đến 7 triệu đồng - PV) liền lên máy bộ đàm thông báo. Ban tự quản đã thông báo tập trung 10 tàu đánh bắt xa bờ trong khu phố cùng nhau đi tìm suốt 1 ngày, đến hôm sau thì tìm được số lưới này cách cửa Đà Nẵng 30 hải lý về hướng đông bắc”.
Thậm chí, tình hình an ninh tại bến bãi neo đậu cũng được ban tự quản cập nhật: “Đêm 13.9.2012, lợi dụng mưa gió, kẻ gian xuống tàu ông Võ Tứ lấy cắp 1 bộ định vị bộ đàm Ecom đường dài trị giá 28 triệu đồng, 1 máy bộ đàm trị giá 15 triệu đồng, 1 máy định vị hải đồ trị giá 7 triệu đồng. Ban tự quản đã giám sát các tàu khác vào neo đậu, cùng với trinh sát đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt khoanh vùng đối tượng, làm đối tượng lo lắng và đêm 14.9.2012, đối tượng đã tự giác trả số đồ lấy cắp tại sân nhà ông Tứ”.
Sức mạnh “bó đũa”
Cảm giác nói chuyện “thời sự” biển Đông với những ngư dân này thật đã, bởi ngoài các lực lượng chức năng thì chính họ chứ không ai khác đối diện với tàu Trung Quốc khi chúng xâm phạm lãnh hải.
Thuyền trưởng Võ Hồng Thanh bảo rằng, việc tàu Trung Quốc “rình mò” ở vùng biển Việt Nam là như cơm bữa, đến mức “ra ngõ gặp liền”.
|
“Tàu Trung Quốc vào sát lắm, có khi chỉ cách đảo Cồn Cỏ vài chục hải lý thôi anh ạ. Cứ mỗi lần gặp, tôi liền bốc bộ đàm tầm xa lên báo cho đồn biên phòng ngay. Tàu Trung Quốc là tàu lớn, làm bằng sắt. Mình không sợ chúng nhưng mình cũng phải thủ thế”, ông Thanh, thuyền trưởng của tàu QT 09019, nói.
“Anh nên hiểu cái thằng đi ăn trộm bao giờ cái tâm nó cũng không yên, nó luôn trong trạng thái lo sợ. Còn mình quang minh chính đại mình sợ chi. Nó tuy to nhưng nó làm sao đông bằng mình. Xung quanh mình là anh em cả, mình dồn lại ép thì nó cũng chạy lui”, một vị thuyền trưởng khác nói khẳng khái.
Cái lý của những người ngư dân cũng như cái lý trong câu chuyện “bó đũa” xưa kia. Và ở biển, câu chuyện về tình người thể hiện thật rõ ràng. Ở đó là con người với nhau, lại cùng một dân tộc, cớ gì đâu để họ không nối lại những vòng tay yêu thương, giúp đỡ nhau trong đánh bắt cá tôm và canh giữ phên dậu của Tổ quốc.
Ông Võ Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, tấm tắc: “Phải nói thật là họ làm rất lặng lẽ nhưng mà rất được việc. Có họ, trách nhiệm của chính quyền được chia sẻ nên lợi cả đôi đường. Người trong khu phố với nhau lại cùng đi biển nên họ sống rất có trách nhiệm”. Cũng theo ông Kỳ thì nhờ mô hình tốt này mà UBND thị trấn đã kêu gọi thành lập thêm nhiều ban tự quản khác của các khu phố. |
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
>> Gần 2.000 ngư dân tham gia nghiệp đoàn nghề cá
>> Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển
>> Sáu ngày đêm trôi dạt trên biển của hai ngư phủ
>> Tàu ngư chính Trung Quốc xâm nhập trái phép Trường Sa
>> Trung Quốc toan tính gì ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa?
>> Hải quân Trường Sa giúp ngư dân gặp nạn
>> Chiến sĩ Trường Sa cấp cứu ngư dân bị nạn
>> Trung Quốc khảo sát trái phép quần đảo Trường Sa
Bình luận (0)