Thực lực quân sự của Syria khiến phương Tây khó lòng vận dụng “liệu pháp Libya” để giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng ở nước này.
|
Cuộc khủng hoảng ở Syria đã kéo dài hơn 1 năm và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm kết thúc. Bất chấp áp lực từ nhiều phía, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa sụp đổ. Tính ra, tình hình bạo lực nghiêm trọng hơn nhiều so với Libya trước đây, khi theo số liệu của LHQ đến nay đã có hơn 9.000 người thiệt mạng và giao tranh đã lan tới thủ đô Damascus. Thế nhưng có vẻ như phương Tây vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự. Ngoài những lý do như sự phản đối của Nga hay sắp tới các cuộc bầu cử quan trọng tại nhiều nước thì sức mạnh quân sự của Syria cũng khiến phương Tây khó lòng tái diễn kịch bản Libya.
Đầy đủ “đồ chơi”
Tạp chí Time dẫn báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) ở Thụy Điển công bố ngày 19.3 cho biết Syria đã nâng cấp đáng kể khả năng phòng thủ trên biển và trên không kể từ khi bắt đầu làn sóng chống đối cách đây hơn 1 năm. Báo cáo của SIPRI liệt kê hàng tỉ USD mà chính quyền al-Assad đã chi cho những hệ thống phòng thủ hiện đại của Nga, phần lớn được chuyển đến trong năm ngoái.
Trong năm 2011, Nga đã giao cho Syria 36 hệ thống tên lửa Pantsir-S1 tích hợp radar, súng chống máy bay và tên lửa đất đối không tầm trung. Bên cạnh đó, Nga cũng chuyển cho Syria 40 tên lửa Grizzly SA-17 và 2 hệ thống Buk SA-17 tầm trung. Cuối tháng 12.2011, website về thông tin tình báo DEBKAfile dẫn các nguồn cấp cao cho hay Damascus đã triển khai 72 tên lửa hành trình siêu thanh Yakhont dọc bờ biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, có tin 3 tàu chiến Nga đến thăm Syria đầu tháng 11.2011 đã chở theo nhiều thiết bị kỹ thuật và cố vấn để giúp thiết lập một hệ thống phòng không bao gồm giàn tên lửa S-300 với radar có thể cùng lúc theo dõi 100 mục tiêu và chỉ cần 5 phút để triển khai tác chiến.
Ngoài ra, SIPRI tin rằng Moscow gần đây đã chuyển giao các phiên bản nâng cấp chiến đấu cơ MiG-29 cho Damascus cũng như nâng cấp hàng trăm xe tăng T-72. Chưa hết, Tổng thống al-Assad cũng vừa công bố thỏa thuận mua máy bay huấn luyện và chiến đấu cơ Yak-130 của Nga trị giá 550 triệu USD. Theo trang tin Cnmilitary.info, Syria hiện có khoảng 900 hệ thống tên lửa phòng không, 4.000 pháo chống máy bay cùng hơn 400 chiến đấu cơ các loại.
Khó “ăn” hơn Libya
Theo các chuyên gia, với khả năng phòng thủ như trên, Tổng thống al-Assad đương nhiên là thách thức lớn cho mọi ý định can thiệp quân sự. Time dẫn lời ông Paul Holtom, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của SIPRI, nhận định nếu nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi có được những vũ khí mà ông al-Assad đang sở hữu, tình hình Libya sẽ có những diễn biến, thậm chí kết cục, khác với những gì mà thế giới đã chứng kiến. Đơn hàng 6 chiếc Yak-130 từ Nga đã không được chuyển giao vào thời điểm nổ ra làn sóng chống đối ở Libya hồi tháng 2.2011 và nhà lãnh đạo Libya đã không có được những loại vũ khí phòng không tiên tiến.
Theo Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), NATO thật ra đã rất “may mắn” tại Libya. Viện này cho rằng chiến dịch Libya khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mà giới lãnh đạo phương Tây tuyên bố. Khi bắt đầu tung máy bay đến Libya vào tháng 3.2011, các lãnh đạo Anh và Pháp tuyên bố đó chỉ là chiến dịch “có mức độ thấp nhất và thời hạn ngắn nhất”, nhưng sau cùng nó đã trở thành chiến tranh toàn diện kéo dài đến 7 tháng. Cuộc chiến đã kéo căng khả năng của quân đội các nước châu Âu, vốn đã huy động đến 90% số đợt xuất kích có thể. Time dẫn lời chuyên gia Elizabeth Quintana của RUSI nói các kho vũ khí của châu Âu phải “chật vật đáp ứng” nhu cầu của chiến dịch không kích và Mỹ sau đó phải nhảy vào để “lấp chỗ trống”. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi các tay súng Libya cuối cùng đã hạ sát ông Gaddafi vào tháng 10.2011.
Đối phó hệ thống phòng không già cỗi của Libya mà NATO còn muốn “hết đạn” nên dĩ nhiên phương Tây phải chùn tay đối với Syria. Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Tổng tham mưu trưởng quân đội Martin Dempsey đã thừa nhận khả năng phòng không Syria tinh vi hơn gấp 5 lần so với Libya. Chỉ huy Bộ Tư lệnh miền trung Mỹ James Mattis cũng cho rằng các loại khí tài mà Nga cung cấp cho Syria sẽ khiến việc lập vùng cấm bay sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Lính đặc nhiệm Nga đến Syria? Cả Nga và Syria cùng lên tiếng bác bỏ thông tin Moscow điều lính đặc nhiệm chống khủng bố đến quốc gia Ả Rập. Kênh truyền hình Al Arabiya trước đó loan tin một tàu chở nhiên liệu của Nga vừa cập cảng Tartus của Syria, chở theo một đơn vị đặc nhiệm thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ. Tuy nhiên, ITAR-Tass dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow không điều tàu chiến đến Syria mà chỉ có 1 tàu hậu cần đang ở Tartus 10 ngày để tái cung cấp nhiên liệu cho Hạm đội Biển Đen. Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20.3 tuyên bố nước này sẵn sàng ủng hộ một nghị quyết mới của LHQ về Syria với điều kiện trong đó không có tối hậu thư hay cảnh báo nào dành cho chính quyền Damascus. Cùng ngày, một số tổ chức nhân quyền cáo buộc các phe chống đối vũ trang của Syria bắt cóc, tra tấn và hành quyết cảnh sát, binh sĩ cũng như người ủng hộ chính phủ. |
Trùng Quang
Bình luận (0)