Đã vậy, EURO trong thời kỳ “sống chung với đại dịch” càng làm cho việc di chuyển khó khăn, do chính sách chống dịch khác nhau của những quốc gia có hoàn cảnh khác nhau. Sân bãi càng trở thành một vấn đề đáng lưu ý tại giải năm nay.
Kết quả quá rõ: Chưa bao giờ sức mạnh sân nhà trở nên cực kỳ quan trọng như kỳ EURO này. Cả 4 đội lọt vào bán kết đều là các đội chủ nhà tại giải năm nay. Sự thể hiện có khác nhau, nhưng điểm chung xuyên suốt: kiểu gì thì các đội chủ nhà cũng thành công.
Khi mà Tây Ban Nha đá tại sân nhà Seville, lại thường xuyên giữ bóng (có trận lên đến 85%), thì đối phương làm sao có thể thắng họ!
Ý toàn thắng 3 trận vòng bảng, tại sân nhà Rome. Đan Mạch lại khác. Thắng Nga 4-1 trong trận quyết đấu cuối cùng, tại sân nhà Copenhagen, Đan Mạch trở thành đội đầu tiên trong lịch sử EURO vượt qua vòng bảng dù thua cả 2 trận đầu.
Dù không qua nổi vòng bảng, ai cũng thấy rõ ấn tượng sâu đậm mà đội Hungary thể hiện, trước 67.000 khán giả Budapest. Còn Hà Lan cũng nhờ ưu thế sân nhà Amsterdam mà toàn thắng ở vòng bảng. Khi không được chơi trên sân nhà nữa, Hà Lan lập tức bị CH Czech loại ở vòng 1/8.
Một chút so sánh: 4 trong 6 đội chủ nhà EURO gần đây nhất (tính đến trước giải năm nay) không qua nổi vòng bảng. Từ sau năm 1984, chưa có đội nào từng vô địch EURO trên sân nhà. Năm nay chắc chắn sẽ có (bởi cả 4 đội còn lại đều là chủ nhà trên danh nghĩa, trong cái nhìn tổng thể toàn bộ VCK EURO 2020).
Từ vòng bán kết trở đi, các trận còn lại của EURO 2020 đều diễn ra tại sân Wembley (Anh). Đó chính là lý do vì sao tuyển Anh đang tràn đầy hy vọng về lần đầu tiên vô địch EURO. Nếu không có ưu thế sân nhà, làm gì “Tam sư” lại được thị trường cá cược đánh giá là ứng cử viên vô địch số 1 (ngang với Pháp) trước khi EURO khởi tranh! Lại còn có chuyện, sân Wembley chuẩn bị chào đón tận 60.000 khán giả, chứ không chỉ là 20.000 người như ở vòng bảng. Chủ nhà Anh càng trở nên đáng gờm trong hoàn cảnh quá thuận lợi này.
Bình luận (0)