Tàu cá vỏ thép nếu được thiết kế 3 lớp, sử dụng vật liệu chịu va đập, đàn hồi sẵn có trong nước sẽ có khả năng chịu lực đâm va và tiết kiệm chi phí đầu tư cho ngư dân.
|
|
Đây là ý tưởng của GS-TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm quốc gia về vật liệu KC02 (Bộ KH-CN). Theo GS-TS Nguyễn Việt Bắc, những vụ đâm va của tàu Trung Quốc với tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư hay tàu cá của ngư dân VN thời gian qua cho thấy dưới xung lực va đập, thân tàu luôn có xu hướng bục vỡ, thủng hay xé toạc. Các giải pháp kỹ thuật hiện nay hoàn toàn có thể hóa giải tình huống bị đâm trực diện, giảm thiểu thiệt hại cho thân tàu và có thể ứng dụng ngay trong chủ trương đóng mới tàu cá vỏ thép, bảo vệ an toàn tính mạng ngư dân khi khai thác hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Tùy thuộc vào tốc độ và trọng tải của con tàu, người thiết kế sẽ tính toán độ dày lớp thép thân tàu. Thông thường, vỏ thép tàu nhỏ chỉ dày dưới 10 mm, nếu vượt quá sẽ không tải nổi. Vỏ thép quá dày không phải là phương án tốt giúp tàu chịu lực va đập tốt, lại ảnh hưởng đến khả năng cơ động, tốc độ di chuyển. Để chống va đập khi tiếp cận cầu cảng, tàu cá hiện nay đang dùng lốp xe chịu lực làm đệm chống va. Nhưng nếu bị tàu Trung Quốc đâm va trực diện bằng mũi nhọn tàu của họ thì các tấm chịu lực này không có tác dụng. Do vậy, mẫu tàu cá vỏ thép thiết kế cho ngư dân phải tạo ra lớp “áo” có khả năng chống chịu tốt với xung lực đến từ một phía.
Nguyên lý “áo chống đạn”
Một trong những cách đó là thiết kế thân tàu có các tấm giảm chấn 3 lớp với các vật liệu khác nhau. Cụ thể, ngoài cùng là vỏ thép mỏng 3-5 mm, sau đó là lớp vật liệu xốp và cao su có khả năng đàn hồi cao, phía trong cùng thân tàu sẽ là lớp vật liệu tùy chọn. Về độ bền vật liệu, lớp thép bên ngoài có khả năng chịu xung lực cường độ cao. Trong tình huống bị đâm húc, lực dồn vào một điểm cũng khó khiến vỏ thép bị chọc thủng mà chỉ làm biến dạng do đã có các lớp vật liệu xốp, đàn hồi phía sau. Chọn vật liệu cho lớp giảm chấn che vỏ tàu hiện nay không khó, có thể dùng ngay cao su, xốp nhựa polyurethane, PVC tổng hợp sản xuất trong nước với giá thành không cao. Để có độ bền tốt nhất, các lớp vật liệu xốp và đàn hồi này có thể làm dày khoảng 30 - 50 mm. Đến lớp vỏ tàu trong cùng có thể chọn nguyên liệu gỗ hay sắt để giảm chi phí đầu tư và giảm trọng tải của cả con tàu.
Thiết kế vỏ bảo vệ tàu 3 lớp về mặt kỹ thuật giống như nguyên lý sản xuất áo chống đạn. Nguyên lý thiết kế và lựa chọn vật liệu khác nhau chịu lực tác động lớn có khả năng phân tán xung lực được ứng dụng rộng rãi ở Nhật, Mỹ và chứng minh hiệu quả khi sản xuất các đệm chịu va đập đặt tại các cầu cảng đón tàu trọng tải lớn. VN đã ứng dụng thành công kỹ thuật này để sản xuất tấm chịu lực ở các cảng lớn, hứng lực va chạm của tàu trọng tải 10.000 - 20.000 tấn sử dụng trong thời gian dài.
Tham khảo mẫu tàu gỗ hiện đại Tàu vỏ thép sẽ an toàn hơn, độ bền cao hơn, chịu được sự va đập và ngư dân sẽ an tâm hơn để bám biển. Cái khó lâu nay là nguồn vốn để đóng tàu, nay được nhà nước hỗ trợ, tôi sẽ sẵn sàng vay để thay tàu vỏ thép. Về cơ bản, tàu vỏ thép nên thiết kế theo mẫu của tàu vỏ gỗ đời mới vì loại tàu này hiện rất phù hợp với việc đánh bắt trên biển. Ngư dân Lê Văn Dung Không nên đóng tàu quá lớn Các cơ sở đóng tàu vỏ thép cần khảo sát kỹ tập quán khai thác của ngư dân trên tàu vỏ gỗ trước khi đóng đại trà các tàu vỏ thép. Nên đóng tàu dài khoảng 25 m, chiều cao từ đáy lên đến mạn không quá 3 m là phù hợp trong việc khai thác trên biển. Tàu vỏ thép là một chuyện, việc khai thác hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như khả năng dự báo luồng cá, kinh nghiệm của ngư dân, ngư lưới cụ ngư dân đang sử dụng. Vì vậy, chúng ta không ham đóng những con tàu lớn, mà chỉ đóng tàu có công suất từ 1.000 - 1.200 CV, vừa đảm độ an toàn, vừa bảo đảm hiệu quả khi sử dụng các ngư lưới cụ, làm các nghề truyền thống mà lâu nay ngư dân đang làm. Ngư dân Lê Xuân Hùng Khánh Hoan - Ngọc Minh (ghi) |
Phan Hậu (ghi)
Bình luận (0)