Những ngày này, khi cả nước sống trong không khí hào hùng của những ngày mùa thu cách mạng cách đây đúng 70 năm, tắm mình trong những giai điệu hào hùng của lòng tự hào dân tộc, thì mọi người dân nước Việt dường như đều vang lên trong đầu mình câu hỏi về tình yêu đất nước.
Người Việt, dân tộc Việt vốn nổi tiếng với tinh thần yêu nước máu lửa mãnh liệt, được minh chứng qua bao cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Biết bao thế hệ người Việt đã sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ mảnh đất này, không phải vì một tình yêu mơ hồ mà họ hiểu rằng, nếu không đứng lên, họ sẽ trở thành nô lệ. Tình yêu đất nước khi đó gắn với độc lập, tự do, thậm chí gắn với sự sống và cái chết; tình yêu ấy bắt nguồn từ khát khao có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi: Trong thời bình, người Việt có còn yêu nước không? Trên thực tế, trong thời bình, không còn nỗi lo giặc ngoại xâm, mọi người dân trở về với cuộc sống của cá nhân mình. Nhưng có lẽ, cái khát khao mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn - yếu tố gốc rễ của lòng yêu nước vẫn luôn hiệu hữu. Điều này được chứng minh nhiều lần suốt chiều dài lịch sử, gần đây nhất, khi chủ quyền dân tộc bị đe dọa ở trên biển, giữa sự mất và còn, người Việt lại một lần nữa chứng minh sự sát cánh bên nhau vì đất nước vì dân tộc. Đây chính là sức mạnh tiềm tàng, là nội lực vô tận cho công cuộc xây dựng đất nước VN giàu, mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Nhà VN học người Nga, Daria Mishukova, tác giả cuốn sách Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên từng nói rằng: “Người VN luôn biết gắn niềm vui riêng của mình với dân tộc và ngược lại. Tinh thần dân tộc đã làm nên sức mạnh VN”.
Lịch sử đã chứng minh, chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta phải biết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ; chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta biết giữ gìn bản sắc; chủ nghĩa dân tộc dạy cho chúng ta biết tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa VN. Và tình yêu nước hôm nay của người Việt không phải chỉ là đoàn kết để chống giặc ngoại xâm mà là sự đoàn kết để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sau 70 năm tuyên ngôn độc lập, sau 30 năm tiến hành đổi mới, VN hiện nay đang đứng trước một yêu cầu rất cơ bản và cấp bách là đổi mới lần thứ hai. Yêu cầu đó là VN đang hội nhập rất sâu và thể chế của VN có nhiều điểm chưa tương thích; yêu cầu đó là xếp hạng của VN về môi trường kinh doanh thấp theo chuẩn mực thế giới.
Người Việt cần một lần nữa thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước, sức mạnh của tinh thần dân tộc để hội nhập thành công và bứt phá về kinh tế.
Bình luận (0)