Trứng rẻ vẫn ế
Một chục trứng gà từ 34.000 đồng giảm còn 24.000 đồng; trứng của các thương hiệu lớn cũng khuyến mãi khách mua một chục được tặng kèm 2 trứng hay tặng kèm vỉ nhỏ 6 trứng tùy loại... Hàng trăm mặt hàng được khuyến mãi liên tục trong thời gian qua ở nhiều siêu thị như Co.opmart, Bách Hóa Xanh… từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng và thậm chí cả thực phẩm tươi sống với thời gian kéo dài; nhưng theo tiết lộ của lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, doanh thu từ đầu năm đến nay vẫn sụt giảm, kéo theo lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thừa nhận chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay. Trong nhiều giai đoạn khó khăn trước đây thì trứng, loại thực phẩm thiết yếu và rẻ, vẫn luôn đắt hàng; thế nhưng hiện nay ước tính doanh số bán hàng giảm khoảng 20%. Trong đó, ế ẩm nhất là kênh tiêu thụ sỉ cho các doanh nghiệp (DN) chế biến hay suất ăn công nghiệp đã giảm lên đến 40 - 50%. Công ty đã cắt giảm nhiều loại chi phí và dời lại toàn bộ kế hoạch phát triển sản phẩm mới, mở rộng sản xuất nhưng cũng chỉ hòa vốn, không có lãi.
Ông Thiện chia sẻ: Với tình hình tiêu thụ quá thấp như hiện nay, hoạt động kinh doanh của DN càng khó khăn. Thêm nữa, giá điện vừa tăng thì công ty sẽ phải trả thêm gần chục triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này không quá lớn nhưng giá điện tăng sẽ khiến rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, từ đó sẽ khiến giá thành sản phẩm đội lên và lại càng khó để kích thích sức mua.
Sức mua giảm sâu, đâu là giải pháp?
"Việc Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% sẽ phần nào có thể kích thích mức tiêu thụ trên thị trường. Nhưng cần thiết phải thực hiện nhanh hơn. Hoặc nhà nước xem xét tăng thêm các giải pháp hỗ trợ khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giảm lãi vay nhanh hơn. Hiện nhiều đối tác của chúng tôi cho biết tiếp cận vốn vẫn khó nên kéo dài thanh toán công nợ, khiến DN cũng gặp khó khăn dây chuyền. Nếu được giảm thêm thuế thì các công ty có nguồn lực để đảm bảo sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động", ông Thiện nói.
Thực tế, việc thắt lưng buộc bụng ngày càng rõ rệt hơn khi nhìn vào sức mua các sản phẩm thiết yếu, từ thịt heo, gà... dù giá xuống đến mức lỗ nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn. Với hàng hóa không thiết yếu thì ế ẩm kéo dài. Tình trạng này đang khiến tồn kho của các nhà sản xuất tăng cao, phải hạn chế công suất, cắt giảm lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay là 77.000 đơn vị, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.200 DN rút lui khỏi thị trường. Thực tế, rất nhiều DN lớn, nhỏ cũng thu hẹp hoạt động, giảm hàng ngàn nhân viên, như trong vòng 6 tháng (từ ngày 1.10.2022 - 30.3.2023), Công ty Thế Giới Di Động đã giảm khoảng 9.000 lao động, tương ứng tỷ lệ 12%. Hay Công ty PouYuen VN từ cuối tháng 2 đã giảm gần 2.500 người; Công ty Đất Xanh giảm gần 1.400 người trong 3 tháng đầu năm nay…
Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang) nhận định việc giảm thuế GTGT phải đợi Quốc hội thông qua và theo đề xuất của Bộ Tài chính là áp dụng từ ngày 1.7 đến 31.12.2023 chỉ có 6 tháng là quá ngắn, không đủ để kích thích tiêu dùng gia tăng. Thay vì thông qua việc giảm thuế GTGT áp dụng đến hết năm 2023, Quốc hội nên đề xuất luôn đến kỳ họp vào tháng 11 khi thông qua chỉ tiêu ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ quyết luôn việc giảm thuế GTGT cho cả năm 2024. Việc giảm 2% thuế GTGT cần kéo dài đến hết cả năm sau mới đủ để có hiệu quả là tăng sức cầu trên thị trường. Chính phủ có thể hy sinh thêm một phần thu ngân sách nhưng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nền kinh tế gia tăng trở lại, từ đó kéo theo hoạt động sản xuất phục hồi thì các khoản thu từ DN, người lao động sẽ gia tăng.
Doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ
TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nói thẳng: Việc giảm 2% thuế GTGT là chưa đủ để có thể kích cầu, chỉ có thể gọi là hỗ trợ giúp giảm chi phí hàng hóa - dịch vụ. Đối với người thu nhập cao thì mức này không đáng kể để tác động họ tăng tiêu dùng. Đối với người có thu nhập trung bình có thể cảm nhận được, nhưng do chi tiêu ít nên mức giảm cũng không đáng bao nhiêu. Quy mô của việc giảm thuế này không lớn để có thể nói tác động mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, thời gian triển khai chỉ vài tháng cuối năm 2023 cũng chưa đủ để DN tính toán được gì cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để kích cầu tiêu dùng, cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với người tiêu dùng, nhất là thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
TS Anh nhấn mạnh: Vấn đề này đã được đề cập từ nhiều năm nay, tại sao không tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế và người phụ thuộc? Vào năm 2020, mức GTGC cho người nộp thuế tăng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng nhưng mức điều chỉnh này là không ăn thua và cũng không cập nhật tình hình thực tế. Mức giảm trừ đó không đủ để người làm công ăn lương chi phí, trang trải cho cuộc sống.
"Quy định chỉ khi nào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC là không phù hợp với thực tế và gây thiệt hại cho người nộp thuế vì phải chờ đợi cả chục năm mới được điều chỉnh. Nếu công bằng thì phải điều chỉnh mức GTGC hằng năm theo chỉ số CPI. Thu nhập của người dân đã thấp, khó khăn mà thuế nộp cao thì lấy đâu ra tiền chi tiêu để kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, trong bối cảnh các DN đóng cửa nhiều hay gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì việc gia hạn thuế TNDN không mấy thiết thực. Sắc thuế này đánh vào tiền lãi của DN, mà DN khó khăn, kinh doanh không có lãi thì coi như chẳng có sự hỗ trợ nào. Ở đây cần có những chính sách hỗ trợ về chi phí để họ có thể tồn tại như miễn giảm tiền thuê đất, cho vay trả lương, bỏ chi phí công đoàn... Đừng để DN đóng cửa hết mà chính sách hỗ trợ thiết thực chưa triển khai thì sau này họ khó có thể mở cửa trở lại", ông Anh nói thẳng.
Đồng tình, luật sư Trần Xoa phân tích, năm 2023 đã xác định là quá khó khăn và chúng ta hy vọng năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, nhưng điều đó cũng không ai chắc chắn. Các chính sách giảm thuế đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng bối cảnh kinh tế hiện nay đã thay đổi nhiều hơn trước nên cần phải có chính sách mạnh hơn. Chẳng hạn, trong chính sách hỗ trợ thuế thì người làm công ăn lương chưa có hỗ trợ nào cũng như chưa có chính sách gì để kích cầu tiêu dùng. Vậy Chính phủ cần xem xét để giảm thuế TNCN như đã thực hiện vào năm 2009 trong thời gian 6 tháng. Hoặc điều chỉnh tăng mức GTGC lên cao hơn mức hiện tại. Đáng chú ý, nhiều bất cập của quy định thuế TNCN đã được đề cập từ hơn 5 năm nay mà vẫn chưa thấy sửa đổi. Còn riêng thuế TNDN, trước đây Bộ Tài chính đã từng đề xuất áp dụng cho DN nhỏ và vừa ở mức thuế suất 15 - 17%/năm thì tại sao lại chưa áp dụng?
"Các DN hiện nay đã quá khó khăn, đóng cửa nhiều, nên dù có chính sách gì đi nữa cũng cần triển khai nhanh chóng để có thể phục hồi kinh tế, tránh tốn nhiều tiền cũng như mất nhiều sức", ông Trần Xoa nhấn mạnh.
Bình luận (0)