Một trong những điểm mới trong Quy định 96 là việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Nếu tại các quy định đầu tiên về việc này (Quy định 165 năm 2013 và Quy định 262 năm 2014), kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ được sử dụng để "tham khảo" trong đánh giá cán bộ thì Quy định 96 vừa được Bộ Chính trị ban hành khẳng định "kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ".
Khi kết quả phiếu tín nhiệm không còn là nội dung chỉ để tham khảo, quy định của Bộ Chính trị đã bổ sung các biện pháp xử lý cụ thể và mạnh mẽ hơn đối với cán bộ có tín nhiệm thấp. Theo đó, những cán bộ có tín nhiệm thấp sẽ bị xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Cụ thể, Quy định 96 nêu rõ, đối với những trường hợp có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn như quy định cũ, sẽ "xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm". Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện ngay việc miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn.
Với các quy định mới, kết quả phiếu tín nhiệm chính thức trở thành căn cứ để quyết định cán bộ có tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ được giao, cũng như được quy hoạch cho các vị trí cao hơn hay không. Lá phiếu tín nhiệm theo cách đó sẽ có quyền lực lớn hơn, và việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ thực chất hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa việc tổ chức lấy phiếu sẽ phải minh bạch, thực chất hơn. Trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm cũng phải cao hơn.
Quy định mới lấy phiếu tín nhiệm: Tín nhiệm thấp trên 50% phải từ chức
Tại Quy định 96, Bộ Chính trị cũng đã bổ sung trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm phải "bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, thực chất". Người ghi phiếu phải có trách nhiệm đánh giá "khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm".
Quy định nêu chi tiết, cụ thể, nhưng để thực hiện được chắc chắn không đơn giản. Bởi lẽ, sự khách quan, thực chất hay công tâm là những tiêu chí rất khó đo đếm. Nhiều người ở lần lấy phiếu trước được tín nhiệm rất cao, chỉ vài năm sau đã vướng vòng lao lý. Nhiều cán bộ bị kỷ luật, ra tòa, trước đó đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để những lá phiếu tín nhiệm thực sự là lá phiếu quyền lực thì việc lấy phiếu phải khách quan, minh bạch. Song để minh bạch, khách quan thì cần có thêm công cụ để đánh giá xác tín hơn năng lực, phẩm chất, uy tín của những người được lấy phiếu. Khi người ghi phiếu có đủ cơ sở để nhìn nhận, đánh giá, lá phiếu sẽ tránh được những "định tính" chủ quan và qua đó chất lượng cán bộ chắc chắn được nâng cao hơn.
Bình luận (0)