Sức sống từ kinh Võ Văn Kiệt

30/04/2013 13:47 GMT+7

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về xã Lạc Quới (H.Tri Tôn, An Giang), nơi bắt đầu dòng chảy của con kinh Võ Văn Kiệt, để xem sự đổi đời của vùng đất chua phèn này.

Sức sống từ kinh Võ Văn Kiệt

Đầu kinh Võ Văn Kiệt nhìn từ cầu T5

Sức sống từ kinh Võ Văn Kiệt

Diện mạo xã Lạc Quới ngày cảng khang trang

Con kinh của lòng dân

Trước khi tiến hành đào kinh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến đây khảo sát. Thấy việc đào kinh có thể chống ngập lụt, tháo chua, rửa phèn, đồng thời giúp phát triển cho vùng đầu nguồn ĐBSCL, nhất là khu Tứ giác Long Xuyên, cố Thủ tướng quyết định cho bắt tay đào kinh vào ngày 22.4.1997. Ông Huỳnh Ngọc Anh (60 tuổi, ngụ xã Lạc Quới) kể: “Năm 1994, tui về đây cất chòi làm ruộng. Lúc đó có bao nhiêu ruộng đâu, lại làm lúa mùa nên năm được năm không. Tới mùa nước nổi thì nước lênh láng khắp nơi”. Theo ông Lê Quốc Thanh (76 tuổi), hồi trước vùng này toàn là đất phèn, cây cỏ mọc hoang và không có chủ. Con ông chăn bò mà không dám lùa đi đâu hết. Vì từ Lạc Quới ra Tri Tôn chỉ có một chuyến đò đi về trong ngày. Nếu trễ là nằm lại chờ.

Việc đào con kinh này gặp không ít khó khăn. Bà Hứa Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Quới, kể công nhân đào kinh không có nước uống, phải vận chuyển bằng đủ mọi cách. Để tắm rửa, họ phải đi bộ hàng mấy cây số. Ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng ban chỉ đạo khai kinh, tâm sự: “Chúng tôi như người vác cuốc đi… chống trời. Ngày khởi công đào kinh thu hút đông đảo bà con đến xem. Ai cũng vui mừng, riêng chúng tôi ngoài mặt thì cười nói nhưng trong bụng lo ngay ngáy. Bởi chúng tôi hiểu rằng thách thức trước mắt là rất lớn, dù có sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện cơ giới”.

 Cuối cùng, con kinh đã được hoàn thành với chiều dài 36,7 km, nằm trên địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang sau hơn 220 ngày thi công. Ban đầu có tên là kinh T5. Tháng 7.2009, HĐND tỉnh An Giang quyết định đặt tên là kinh Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt rộng 30 - 36 m, sâu 3 m so với mặt nước biển, đủ sức cho ghe tàu lớn qua lại.

Diện mạo mới

Xã Lạc Quới đã có bước phát triển rõ rệt từ khi con kinh Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng. Khoảng 580 ha đất hoang hóa trên địa bàn xã được cải tạo thành đất sản xuất. Dân làm ruộng 2 - 3 vụ, chủ yếu trồng lúa IR 50404. Bên cạnh đó, xã Lạc Quới còn có 200 ha trồng lúa chất lượng cao, hạt dài để xuất khẩu. Hiện nay, xã đang trồng dưa hấu trên diện tích khoảng 50 - 70 ha và đạt kết quả khả quan. Hiện 128 hộ dân của xã sống an toàn với lũ. Đường thủy (kinh) vào mùa khô, ghe 60 tấn có thể qua lại; còn mùa nước lưu thông được ghe tàu trên 100 tấn. Đường bộ tuy còn đất đá nhưng mặt lộ rộng khoảng 6 m. Sắp tới sẽ được tráng nhựa, chạy tới địa phận tỉnh Kiên Giang.

Một bên đầu kinh Võ Văn Kiệt hiện nay là trung tâm xã Lạc Quới, với trụ sở Đảng ủy xã, UBND, công an, trường học, chợ, trạm cung cấp điện sinh hoạt… Đặc biệt, khi đến cầu T5, ai cũng bị thu hút bởi một công viên đẹp nằm bên cạnh trụ sở UBND xã Lạc Quới. Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt rộng 4.628 m2 do tỉnh An Giang đầu tư với tổng kinh phí 4,72 tỉ đồng. Sau hơn 4 tháng thi công, công viên được tổ chức khánh thành vào lễ giỗ thứ ba của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bên dưới tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đặt tấm bia ghi dòng chữ: “Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên. Người nhớ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của ông cha ta... Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”. Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt là nơi vui chơi, giải trí, tập thể dục... của người dân nơi đây. Ngày 11.6 hằng năm, nhân dân đều tổ chức lễ giỗ trọng thể tưởng niệm cố Thủ tướng.   

Cát Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.