Nam học sinh vỗ vào mông cô giáo vốn là một học sinh học giỏi, nhưng không "ngoan hiền" như quan niệm các thầy cô muốn có. Học sinh ngỗ ngược ấy còn dám nói về cô giáo dạy đạo đức rằng: "Cô dạy những điều mà chính cô cũng không tin. Nhưng cô lại bắt học sinh phải tin vào những điều cô nói, cô bắt học sinh phải nhắc lại những lời cô đã giảng như một cái máy".
Tiếp đó là hàng loạt bi hài kịch khác xảy đến: Bố của đứa học sinh bị đuổi học, chủ một hiệu phở có tiếng đã phải gom góp số tiền tích cóp được, thông qua một thầy giáo vốn chẳng liêm khiết gì, chuyển số tiền đó đến cho gia đình cô giáo dạy đạo đức vì biết cô đang rất cần tiền để mua một cây đàn vĩ cầm cho con với mục đích cô không đuổi học con mình nữa.
Gia đình cô giáo dễ dàng sập bẫy mà cô không hề hay biết. Sự việc bị phát giác. Cô giáo bị kỷ luật, điều chuyển đến một trường nông thôn heo hút, xa thành phố cả mấy ngày đường. Tại đây, cô lại gặp chính người đã đặt cạm bẫy cho đoạn đời trước của mình, nay lại đang giữ trọng trách là thủ trưởng trực tiếp của cô.
Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa những biểu hiện kém văn hóa, phi giáo dục với những niềm tin về một nền giáo dục lành mạnh, trong trẻo và tươi sáng như mùa xuân lại đang diễn ra ở nơi này.
Đợi đến mùa xuân đã được sinh viên khoa Sân khấu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dàn dựng và biểu diễn bằng tất cả tâm huyết của mình. "Các em diễn còn thô vụng, non nớt. Nhưng chính các em, những người trong cuộc của một nền giáo dục còn đang tồn tại nhiều bất cập trầm kha, đã được tự nói lên tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng cách diễn hết sức trong sáng, hồn nhiên và đầy nhiệt huyết. Và cũng vì quá say mê nghề nghiệp mà các em đã tự góp những đồng tiền rất ít ỏi của sinh viên để dựng vở này, nhà trường chỉ giúp đỡ rất ít, chủ yếu là động viên tinh thần" - TS Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng của trường tâm sự.
Đợi đến mùa xuân, vốn đã rất nổi tiếng, gây sóng gió dư luận từ những năm 80 về những bê bối, bức xúc những căn bệnh trầm kha của một nền giáo dục vốn chạy theo thành tích. Tái hiện câu chuyện của 24 năm trước trên một nền thời sự của ngày hôm nay một cách sáng tạo vẫn khiến người xem phải giật mình: gần 30 năm rồi, những căn bệnh, những bất cập, tồn tại của một nền giáo dục vẫn là như thế.
Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mong muốn Đợi đến mùa xuân được diễn tại các trường đại học trong cả nước, như một lời tri ân, một sự chia sẻ và đồng cảm, một niềm tin lớn về tương lai tốt đẹp không xa của nền giáo dục nước nhà (liên hệ với thạc sĩ Lê Mạnh Hùng, Trưởng khoa Sân khấu của trường - ĐTDĐ: 0988895468).
Phạm Ngọc
Bình luận (0)