Theo một thống kê chưa đầy đủ, dân Mỹ sở hữu đến 270 triệu khẩu súng cùng cơ số đạn đủ để phục vụ cho một cuộc chiến có quy mô tương đương Thế chiến 2. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi tò mò và muốn khám phá chuyện súng đạn ở Mỹ.
Những chuyện đau lòng
Năm 2007, lần đầu tiên đặt chân đến thành phố St.Louis thuộc tiểu bang Missouri, chúng tôi ghé qua cửa hàng bán điện thoại di động của một Việt kiều tên Chương thì nhìn thấy anh đeo lủng lẳng khẩu súng. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh trả lời một câu xanh rờn: “Để đề phòng cướp. Nó không chết thì mình chết!”. Sau đó, chúng tôi còn nghe anh Hoàng Nguyễn, cũng ở St.Louis và từng là chủ một cửa hàng súng, kể về chuyện một người bạn tên Thành của anh bị tù vì sử dụng súng. Câu chuyện khiến chúng tôi nhớ mãi.
Số là, sau khi vài thanh niên tìm đến nhà gây hấn, anh Thành đến tiệm của anh Hoàng Nguyễn mua súng phòng thân. Sau đó, vào một hôm định mệnh, anh Thành về nhà sớm hơn thường lệ và phát hiện một đôi giày “lạ”. Nhìn qua khe cửa, anh Thành thấy con mình đang được tay thanh niên hôm trước đến nhà kiếm chuyện đút cho ăn, vợ anh còn đang mặc bộ đồ ngủ mỏng tang. Vì thế, Thành lờ mờ hiểu ra nguyên nhân khiến người kia gây chuyện với mình. Trong lúc mất kiểm soát, anh nổ súng bắn chết người tình của vợ rồi đến tự thú với cảnh sát. Vài tháng sau, anh bị kết tội giết người không chủ định và lãnh án 5 năm tù.
Bản thân anh Hoàng Nguyễn bỏ kinh doanh “hàng nóng” cũng vì sử dụng súng. Anh kể lại với chúng tôi, một lần vừa về đến nhà thì anh phát hiện có kẻ xấu đột nhập. Vì thế, anh mở cốp xe lấy khẩu súng và nấp vào một góc để đợi. Khi hai tên đột nhập vừa ra khỏi nhà, anh lập tức nổ súng. Tuy nhiên, viên đạn không trúng kẻ xấu mà xuyên tường nhà đối diện làm vỡ kính khiến một em bé trong nhà này khóc ré, 2 tên đột nhập thì phóng xe bỏ chạy. Sau sự cố, suýt nữa anh phải ở tù nếu không có băng hình ghi lại chứng minh có kẻ trộm đột nhập nhà anh. Vẫn còn chút thảng thốt trong ánh mắt, anh Hoàng Nguyễn nói: “Nếu không may cháu bé đó trúng đạn chắc tôi ân hận suốt đời. Từ đó, tôi dẹp luôn tiệm súng”.
Trong quá trình sống và học tập ở Mỹ, chúng tôi còn nghe không ít câu chuyện đau lòng liên quan đến súng đạn trong cộng đồng người Việt.
|
Súng kiểu gì cũng có
Thấy chúng tôi quan tâm đến súng, một Việt kiều khác ở bang Missouri tên Tân liền khoe 1 khẩu Colt 45 vừa mua với giá 650 USD. Theo anh Tân, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 - 2 tuần học luật và cách sử dụng súng thì sẽ được cấp giấy phép sử dụng. Anh còn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan những nơi mua bán súng. Đầu tiên, chúng tôi đến Walmart. Trong khuôn viên có một cửa hàng bán đồ thể thao, nhưng đa số hàng ở đây là các loại súng hơi, súng hoa cải, calib… dùng để đi săn nai, vịt trời với giá từ 800 USD trở lên. Đạn được bán với giá khoảng vài USD mỗi viên. Người bán súng nhanh nhảu giới thiệu: “Tuy là súng săn nhưng tầm sát thương cũng đủ bắn chết người”.
Sau đó, chúng tôi còn được anh Tân đưa đến một cửa hàng chuyên kinh doanh súng đạn khá lớn tại Missouri. Vừa bước vào cửa hàng, chúng tôi không khỏi lạnh người khi đập vào mắt là bốn bức tường treo toàn súng đạn như một kho vũ khí thứ thiệt. Phía trên là những loại tiểu liên “đàn anh” như AR15, A.K, M.16, M.18, M.4, Garant… Phía dưới là một tủ kiếng dài trưng bày các loại súng nhỏ hơn như: shotgun, rulo, Colt 45, P.38, Smith & Wesson Model 10, cả “em” Browning dễ thương mà các nữ tài tử hay sử dụng trong phim hành động. Gần đó là khẩu Colt M.1873 nòng dài thường xuất hiện ở các tác phẩm điện ảnh nói về giới cao bồi miền Viễn Tây của Mỹ.
Tham quan một vòng, anh Tân quyết định mua đạn và lắp vào cây Colt 45 để chúng tôi bắn thử. Ở Mỹ, hầu hết các cửa hàng bán súng đều có phòng bắn hoặc bãi bắn ngoài trời để khách hàng dùng thử trước khi quyết định mua. Phòng bắn trang bị các tấm bia với vết đạn lỗ chỗ, nhìn mà rợn người. Khách hàng thử súng được cung cấp đồ bịt tai cùng bộ điều khiển từ xa để tùy chỉnh khoảng cách theo ý thích.
Khi nghe chúng tôi muốn bắn mục tiêu từ xa, nhân viên tên Mathew chỉ vào một khẩu bắn tỉa. Mathew giới thiệu rằng loại này có thể bắn các mục tiêu ở khoảng cách xa cả ngàn mét với độ chính xác cao hơn bất kỳ loại súng cầm tay nào khác. “Nó được sử dụng trong rất nhiều mục đích khác nhau nhưng thường là trong lĩnh vực quân sự hay thi hành công vụ. Nó được chế tạo với độ chính xác cao và thường được hỗ trợ bằng cách gắn các loại ống ngắm khác nhau nhưng giá chỉ trên dưới 2.000 USD chưa kể đạn”, Mathew nói. Một người bạn trong nhóm chúng tôi chặc lưỡi: "Chỉ cần một tờ giấy phép nhỏ đã tậu được một khẩu súng giá vài ngàn đô".
Nước Mỹ không phải là nơi duy nhất trên thế giới có những vụ phạm tội liên quan đến súng. Tuy nhiên, đây là quốc gia mà một người dân thường có thể sử dụng súng hợp pháp. Thậm chí, luật “Stand your Ground” còn cho phép cá nhân được tự vệ chính đáng kể cả sát thương thay vì rút lui. Chợt nhớ đến lời Mathew giới thiệu mà chúng tôi rùng mình. Theo đó, cửa tiệm anh ta làm việc bán ra 4.000 khẩu súng mỗi năm! Thực sự, với những quy định khá thoáng như hiện nay, khó có thể nói sẽ không còn những vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra trên đất Mỹ.
Dễ như mua rau Dạo quanh một số cửa hàng bán súng của tiểu bang Missouri, chúng tôi nhận ra một điều: việc mua bán súng ở đây dễ dàng như bà nội trợ đi chợ mua bó rau. “Đơn giản chỉ cần có lý lịch sạch và quốc tịch Mỹ là có thể mua được súng”, anh Hoàng Nguyễn nói. Tuy nhiên, súng này chỉ được để trong nhà, không được mang theo người. Nếu muốn mang súng theo người, chỉ cần học từ 2-8 giờ luật sử dụng súng và khoảng 8 giờ thực hành (tùy bang, có bang không cần học thực hành) là được cấp giấy phép. Tuy có giấy phép mang súng theo người nhưng luật của Mỹ cũng cấm mang súng đến những nơi tụ tập đông người, bệnh viện, trường học, nơi cơ quan chính phủ làm việc... Mỗi bang nước Mỹ lại có những quy định chi tiết về việc sở hữu và sử dụng súng. |
Luật sở hữu súng tại Mỹ Tranh cãi quanh quyền sở hữu súng ở Mỹ bắt nguồn từ Tu chính án số 2 theo Hiến pháp nước này. Tu chính án số 2 chỉ gói gọn trong một câu đơn giản: “Vì một lực lượng dân quân được kiểm soát tốt là điều cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do, quyền của người dân được giữ và mang súng sẽ không bị vi phạm”. Vì chỉ ngắn gọn như thế, tu chính án này thường được mang ra mổ xẻ mỗi khi nước Mỹ đối mặt với tranh luận về kiểm soát súng đạn. Đến năm 2008, Tòa tối cao tuyên rằng Tu chính án thứ 2 trong Hiến pháp đã trao quyền sở hữu súng cho các cá nhân chứ không chỉ bảo vệ quyền tập thể của từng tiểu bang trong việc duy trì các lực lượng dân quân. Trong lịch sử Mỹ, chỉ vài lần Nhà Trắng thông qua luật điều chỉnh quyền kiểm soát súng. Điển hình như luật Kiểm soát súng được thông qua hồi tháng 10.1968 cấm bán vũ khí cho một số nhóm đối tượng, bao gồm người có tiền án và người vị thành niên. Đến năm 1993, luật Brady được thông qua quy định phải kiểm tra lý lịch những người mua súng. Sau đó 1 năm, Tổng thống Bill Clinton ký thông qua luật cấm cá nhân sử dụng súng bán tự động và các thiết bị nạp đạn công suất lớn (để bắn liên tục nhiều loạt đạn), nhưng luật này đã hết hạn vào năm 2004 và không được gia hạn. Ngoài ra, một số bộ phận phóng lựu trang bị kèm theo súng tiểu liên cũng được bán cho người dân. Tất nhiên, việc sử dụng loại vũ khí này được quy định rất chặt chẽ. Thụy Miên |
Lê Nga - Lê Quang
>> Bắt 4 kẻ dùng súng cướp tàu
>> Nổ súng trấn áp nhóm cướp đang “săn mồi”
>> Bắt 2 người mua bán, tàng trữ súng
>> Trường học Mỹ tăng cường an ninh sau vụ xả súng
>> Mỹ bắt một kẻ dọa xả súng có 47 khẩu súng
>> Nan giải kiểm soát súng tại Mỹ
>> Hé lộ chi tiết mới về vụ xả súng ở Connecticut
>> Ba vụ xả súng ở Mỹ trong ngày 15.12
Bình luận (0)