Sừng tê giác - Từ Phi sang Á, Kỳ 1: Săn trộm sừng tê giác

21/11/2008 10:30 GMT+7

Nam Phi hiện được xem là nơi bảo tồn tê giác tốt nhất thế giới (dù chưa lý tưởng như mong đợi) và do đó cũng là mảnh đất màu mỡ nhất cho những tay săn bắn và buôn bán trái phép thứ hàng hóa được cho là quý hơn vàng này.

Với thủ đoạn tinh vi và tổ chức ngày càng chặt chẽ, những kẻ buôn sừng tê giác quốc tế đang âm thầm bành trướng mạng lưới hoạt động. Hàng chục con tê giác bỏ mạng mỗi năm và hàng triệu USD đang được giao dịch trên thị trường từ châu Phi sang châu Á do những công dụng được cho là “huyền thoại” từ sừng tê.

Mạng lưới buôn bán và vận chuyển sừng tê giác từ châu Phi sang châu Á về VN ra sao? Công dụng thật sự và những đồn đại hoang đường quanh công dụng của sừng tê giác? 

Từ tháng 9-2005 đến tháng 7-2006, báo chí Nam Phi liên tục đăng tải những thông tin chi tiết về vụ bắt giữ anh em nhà Van Deventer, vì tội săn trộm tê giác và buôn bán sừng bất hợp pháp. Họ đã kể lại tường tận những vụ săn trộm cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin cho thấy các hoạt động buôn bán sừng tê giác được tổ chức tinh vi và chặt chẽ như thế nào.

Tội ác có tổ chức

Các tay săn trộm sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, hầu hết là mượn từ những cửa hàng súng hay những tay săn bạn bè. Lựa chọn của Van Deventer em trong các cuộc tàn sát đầu tiên là cung trợ lực, nhưng anh ta nhanh chóng nhận ra lợi ích của một mũi tên im lặng không thể sánh bằng cái chết tức thì đến với con mồi, nhất là khi phải tiếp cận con vật quá gần khiến nó có thể chạy mất. Anh ta bèn thay cung bằng súng trường loại nhẹ, những khẩu Mauser bảy li có gắn thêm ống giảm thanh.

Sau đó, do công việc làm ăn tiến triển, những ông trùm buôn sừng đã trang bị thêm cho các tay săn trộm cả súng máy.Trong một số phi vụ, các tay săn trộm thậm chí còn được trang bị máy bay tư nhân để quan sát trước những mục tiêu từ trên cao.

Từ giữa tháng 12-2005 tới tháng 8-2006, khi hai anh em nhà Van Deventer bị bắt ngay ngoài cổng công viên quốc gia Hluhluwe-iMfolozi ở tỉnh KwaZulu-Natal, họ thú nhận đã bắn chết 19 con tê giác trắng. Những con mồi bị anh em Van Deventer bắn hạ trong phạm vi 100m từ chỗ đỗ xe. Một số con bị bắn ở khoảng cách 15m. Với “Rhino One” và “Rhino Two”, biệt danh của anh em Van Deventer, xác định vị trí tê giác và bóp cò là việc khá dễ dàng. Việc lấy sừng và thoát khỏi nơi thủ ác mới là phần khó hơn.

Nếu như chỉ hạ được con mồi khi màn đêm đã buông xuống, anh em nhà Van Deventer đành phải tạm bỏ dở việc lấy sừng. Họ sẽ đến trú chân trong một lán trại gần đó, thường là với tên giả, chờ trời sáng quay lại và cắt lấy chiến lợi phẩm quan trọng nhất sau cuộc tàn sát: chiếc sừng. Lúc đầu “Rhino Two” sử dụng một con dao rựa để thực hiện công việc đó. Nhưng sau đó anh ta chuyển sang dùng loại dao chặt thịt, nhỏ hơn và sắc bén hơn. Với một con dao rựa, mất 20 phút để xé đầu con tê giác làm đôi.

Nhưng trong những phi vụ gần nhất, kinh nghiệm giúp anh em nhà Van Deventer hoàn tất công việc khó nhọc chỉ trong không tới một phút, sử dụng kỹ thuật như khi người ta cắt con hàu khỏi vỏ. Những chiếc sừng, dân trong nghề gọi là “còn ướt”, sau đó được đặt vào một chiếc túi và để dưới ghế sau xe.

Từ “con la thồ hàng” tới những ông chủ lịch lãm

 

Một đầu tê giác sau khi đã bị chặt lấy sừng

Anh em Van Deventer nhận được chỉ dẫn chi tiết và các khoản tiền mặt để trả công cho những nhân vật trung gian trong mạng lưới săn bắt và buôn bán trái phép sừng tê giác. Trong mạng lưới đó nhất thiết phải có một nhân vật cực kỳ quan trọng: “con la thồ hàng”. Sau khi cuộc săn hoàn tất, những kẻ này có nhiệm vụ chuyên chở chiến lợi phẩm tới cho ông trùm. Tên trùm ít khi nào có mặt tại hiện trường và đưa ra các chỉ đạo của mình cho “con la thồ hàng” qua điện thoại di động.

Người trung chuyển sẽ được chỉ đạo phải tới một địa điểm công cộng nào đó, nhặt lấy một cái gói nằm ở những nơi ít bị chú ý rồi bắt máy bay tới một thành phố cũng được chỉ định trước. Tất cả phải diễn ra sao cho càng khiến cảnh sát ít (hoặc không thể) can thiệp càng tốt. Khi đến nơi, “con la” sẽ đến ở trong một khách sạn được chuẩn bị sẵn và để túi lại trước khi rời khách sạn.

Chiếc túi đựng đầy sừng tê giác sẽ được một người trung gian thứ hai nhặt lên và tiếp tục hành trình. Có lần, một người thất nghiệp ở Port Elizabeth bị bắt khi đang làm công việc tải hàng giữa những kẻ săn trộm và những ông chủ cuối cùng, những người sẽ làm phần công việc khó nhất: mang túi sừng ra khỏi Nam Phi một cách trót lọt.

Ngành kinh doanh bất hợp pháp sừng tê giác thường được một tổ chức giấu mặt điều hành, và đôi khi hoạt động như một hiệp hội. Trong số các thành viên của tổ chức, những ai có khả năng sử dụng tiền mặt chi phí cho các hoạt động săn bắn cũng như quan hệ để tuồn hàng ra nước ngoài sẽ là những nhân vật quyền lực và giàu ảnh hưởng nhất.

Bề ngoài họ là những người lịch lãm, thậm chí có địa vị cao trong xã hội, họ để những thành viên thấp hơn trong mạng lưới làm các công việc đầy mạo hiểm như vác súng săn lang thang trong các công viên quốc gia. Mà việc tìm thấy những người sẵn sàng làm việc đó để nhận lại các khoản “tiền tươi” ngay lập tức là chuyện không khó ở một đất nước có tỉ lệ tội phạm cao như Nam Phi.

Phần thưởng lớn, hình phạt nặng

Theo hai anh em Van Deventer, họ đã kiếm được ít nhất 85 kg sừng trong 11 tháng “đi săn” ở các công viên quốc gia. Trên thị trường chợ đen, sừng tê giác thương mại, được dân Nam Phi gọi bằng tên lóng là “gỗ cứng”, có giá từ 12.000-15.000 rand (1.600-2.000 USD) một kilogram. Tuy nhiên, khi những chiếc sừng được chuyển lên các nấc thang cao hơn của mạng lưới, giá bắt đầu tăng một cách chóng mặt. Một khi đã rời biên giới Nam Phi an toàn và đến được thị trường Đông Á màu mỡ, những ông trùm hoàn toàn có thể hốt bạc gấp mười lần so với giá gốc.

Lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng cao. Khung hình phạt cho tội săn trộm và buôn bán bất hợp pháp ở Nam Phi từ tối thiểu là năm năm tù hoặc 50.000 rand (khoảng 6.700 USD) ở tỉnh North West tới tối đa là 15 năm tù hoặc 250.000 rand (34.000 USD) ở Limpopo. Là dân kỳ cựu trong nghề, “Rhino Two”, người em, bị tuyên án 10 năm tù, trong đó có hai năm tù treo sau khi thừa nhận anh ta vẫn tiếp tục các chuyến săn trộm sau lần thứ nhất bị bắt vào tháng 5-2006. Người anh bị tuyên án năm năm tù, bao gồm hai năm rưỡi tù treo với tư cách tòng phạm. Tuy nhiên, anh em nhà Van Deventer mới chỉ là những con tốt trên cả bàn cờ.

Theo Hải Minh / Tuổi Trẻ
(Nguồn: www.wildlifeextra.com, Africa Geographic)

___________________

Sừng tê giác sau đó được đưa ra thị trường Trung Đông, Đông Á…với giá cao hơn bất kỳ loại thuốc nào. Thị trường này hoạt động ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.