Tại H.Quỳ Hợp, thời gian qua có hơn 100 mỏ khai khoáng được cấp phép. “Cơn lốc” khai khoáng diễn ra từ hơn chục năm trở lại đây đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Dù nhiều mỏ đã bị đình chỉ hoạt động để khắc phục những sai phạm trong khai thác nhưng người dân địa phương vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Theo ông Quang Cảnh Duy, cán bộ môi trường, địa chính xã Châu Cường (H.Quỳ Hợp), tuy các mỏ thiếc nằm trên thượng nguồn suối Nậm Huống, cách xã này trên 10 km nhưng có những thời điểm, khi các mỏ hoạt động hết công suất, nước thải chảy xuống đoạn suối chảy qua xã đỏ quạch, đặc quánh, gần như không thể sử dụng được cho việc gì, ngay cả tưới ruộng.
Người dân xã Châu Quang (H.Quỳ Hợp, nằm phía dưới xã Châu Cường) cũng là nạn nhân của hoạt động khai khoáng. Hai con suối Nậm Tôn và Nậm Huống chảy qua địa bàn, cung cấp nước cho 20 bản của xã từ khi hoạt động khai khoáng bắt đầu rầm rộ đều biến thành suối “chết”. Có những thời điểm, nước suối Nậm Tôn đỏ và đặc đến mức người dân gọi những bản nằm dọc con suối này là “bản nước đỏ”. Chính quyền địa phương từng ghi nhận hiện tượng trâu bò chết sau khi uống nước suối Nậm Tôn. Theo ông Võ Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Châu Quang, trước đây 2 con suối này rất nhiều tôm cá nhưng nay rất ít, thậm chí có thời điểm đã “sạch bóng” cá tôm.
Chỉ tay xuống cánh đồng nằm bên suối Nậm Huống của người dân bản Nhọi (xã Châu Cường), ông Quang Cảnh Duy cho biết, năm 2016, cơn bão số 4 gây mưa lớn, nước từ trên nguồn tràn về, kéo theo bùn của các mỏ khai thác thiếc, phủ lên các cánh đồng một lớp khá dày. “Phù sa về, lẽ ra người dân vui mừng vì đất sẽ màu mỡ hơn, nhưng ở đây thì ngược lại. Bùn tràn vào ruộng lúa thì lúa không lên được, tràn vào ruộng ngô thì ngô trồng lên đó bị thối rễ”, ông Duy nói.
tin liên quan
Cảm nhận về môi trường ngày càng xấu điNăm 2016, tỷ lệ người dân cho rằng môi trường là mối quan ngại lớn nhất đã tăng 10% so với khảo sát trước đó một năm.
Dẫn chúng tôi ra xem ruộng ngô đã trỉa hạt 4 lần nhưng cứ mọc được ít lá lại chết, bà Nguyễn Thị Tam (ngụ tại bản Nhọi) nói rằng đồng đất ngày càng cằn cỗi, nhất là năm nào có lũ về. “Nhà có 3 thửa ruộng trồng ngô nhưng năm nay trồng 4 lần rồi ngô vẫn chết. Các ruộng lúa bị bùn từ mỏ thiếc trôi về phủ lên cũng có mọc được đâu”, bà Tam nói và chỉ tay về phía những ruộng lúa gieo đã 2 tháng đang chết dần.
Theo ông Duy, 75/210 ha đất trồng lúa và ngô dọc theo suối Nậm Huống của xã Châu Cường đã có dấu hiệu hoang hóa, những diện tích bị ngập sâu, bùn lũ phủ nhiều thì lúa và hoa màu không sống được. “Năng suất lúa năm ngoái đã giảm 50% so với trước khi các mỏ khai thác chưa hoạt động dù người dân sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng và thời tiết thuận lợi. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhưng vẫn chưa có hồi âm. Dân ở đây chủ yếu sống bằng cấy cày, giờ đất đai thế này thì không biết lấy gì mà sống”, ông Duy nói.
Hàng chục mỏ có sai phạm
Các mỏ khoáng sản trên thượng nguồn được ví như những “quả bom bùn” treo trên đầu người dân. Ngày 9.3 vừa qua, đập chứa bùn thải tại xã Châu Thành (H.Quỳ Hợp) của Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh bị vỡ, kéo theo hàng trăm mét khối bùn thải tràn xuống khe suối, khiến cá tự nhiên và cá nuôi của người dân chết hàng loạt. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp như đập xây không đúng thiết kế, hành lang thoát lũ làm bằng đất thay vì phải bằng đá hộc như yêu cầu.
tin liên quan
Vỡ đập chứa bùn thải thiếc, cá chết hàng loạtNgày 11.3, ông Nguyễn Ngọc Võ, Phó giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết sở này đang phối hợp với cơ quan chức năng xử lý sự cố vỡ đập chứa bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh) ở xã Châu Thành, H.Quỳ Hợp.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó phòng TN-MT H.Quỳ Hợp cho biết, trong năm 2016, qua kiểm tra 55 điểm mỏ (46 mỏ đá và 9 mỏ thiếc), đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An phát hiện có 20 mỏ vi phạm về các quy định bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thiết kế. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng, đóng cửa 6 tháng đối với 4 mỏ khai thác thiếc. Theo ông Khôi, do cấp phép “nóng”, các doanh nghiệp chỉ được khai thác thời gian 3 - 5 năm nên đã tranh thủ khai thác mà không tập trung đầu tư công nghệ, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Thái Văn Nông, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nghệ An cho biết, để cứu những dòng suối trước nguy cơ tiếp tục bị bức tử, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những doanh nghiệp khai khoáng vi phạm, bao gồm cả việc đề nghị đóng của mỏ.
Bình luận (0)