Kinh tế thế giới ngày càng có xu thế mở, liên kết giữa các nền kinh tế và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng: các nước phát triển cần thị trường, cần nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu và nguồn nhân công rẻ trong khi các nước chậm phát triển và đang phát triển lại cần vốn, cần công nghệ, cần kỹ năng quản lý và thị trường.
Việc hoàn tất đàm phán TPP sẽ đưa kinh tế VN hội nhập sâu hơn - Ảnh: TTXVN
|
Có thể nói, trong thời đại ngày nay không quốc gia nào có thể đứng một mình, tự cô lập với thế giới bên ngoài mà phát triển được. Tính phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế thị trường khiến các quốc gia, dù muốn hay không, buộc phải xích lại gần nhau, hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.
Đối với nước ta, nhận thức về xu thế toàn cầu hóa chỉ bắt đầu manh nha cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng (1986). Từ những bước đi ban đầu “xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới” (Đại hội VIII 1996 của Đảng) đến Đại hội IX (2001), Đảng ta chính thức khẳng định: “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực...” (Văn kiện Đại hội IX).
Từ phương châm của Đại hội VII: “Việt Nam muốn làm bạn với các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển...” đã được phát triển thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Văn kiện Đại hội IX).
Đến Đại hội X (2006), phương châm của Đảng về hội nhập không chỉ là “chủ động” mà là “chủ động và tích cực”. Đồng thời quá trình hội nhập bước đầu được mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Đến Đại hội XI, trong văn kiện của Đảng, thuật ngữ “hội nhập” không còn bó hẹp trong khuôn khổ “hội nhập kinh tế” mà phát triển thành “hội nhập quốc tế”. Đây là bước chuyển biến rất quan trọng, rất căn bản trong tư duy của Đảng về hội nhập quốc tế: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh...” (Văn kiện Đại hội XI).
Tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về hội nhập, trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XII Đảng sắp tới đây, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong tình hình mới nhằm “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc... thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...”. Lúc này phương châm của chúng ta trong tư duy đối ngoại không chỉ là bạn, là đối tác tin cậy mà cao hơn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Quá trình hội nhập quốc tế trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình đang thực hiện công nghiệp và từng bước hiện đại hóa. Có nền kinh tế tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Về đối ngoại, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng giúp chúng ta thực hiện thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Đến nay, ta đã có quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia, có quan hệ kinh tế với hơn 160 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng.
Đường lối đối ngoại trong những năm tới đây của nước ta thực chất là giai đoạn phát triển cao về chất của quá trình hội nhập quốc tế. Nếu trước đây ta còn bị động khi tham gia quá trình hội nhập, lệ thuộc vào quy định, luật chơi do các nước lớn áp đặt thì nay ta có kinh nghiệm, có đủ bản lĩnh để tham gia cuộc chơi một cách tích cực, chủ động và còn tham gia xây dựng các quy tắc, luật lệ chung. Nếu trước đây ta chủ trương “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” thì hiện nay và trong giai đoạn tới phải chuyển sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình cơ chế hợp tác”.
Trong quá trình hội nhập, do vận dụng “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà chúng ta có những ứng phó mềm dẻo và linh hoạt. Biết tranh thủ thời cơ, tìm ra những điểm tương đồng, những điểm cùng chung lợi ích để thúc đẩy xu hướng hợp tác với các nước, nhất là các nước lớn.
Có thể rút ra các kinh nghiệm cần rút ra trong việc chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước bao gồm: Hội nhập phải dựa trên nguyên tắc độc lập tự chủ và nhằm mục đích tối thượng là quyền lợi của đất nước, của dân tộc, không vì tác động hay sức ép của bất kỳ thế lực nào khác. Thứ hai, coi chủ động và tích cực hội nhập như một phương châm trong hội nhập quốc tế, biết sớm nhận ra những xu thế mới, chủ động dự báo và xử lý linh hoạt mọi tình huống phát sinh; nhận ra và tận dụng thời cơ nhằm mang lại lợi ích cho đất nước.
Bình luận (0)