Tại Nhật Bản, Hội nghị cấp cao G7 ra tuyên bố thể hiện thái độ rất cứng rắn với Nga, thể hiện chủ ý tiếp tục cô lập nước này về chính trị. Tại châu Âu, EU chuẩn bị bàn thảo và quyết định về việc có tiếp tục hoặc tăng thêm biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế hay không. Vậy mà Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsirpas lại đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác mới.
Điều này không chỉ thể hiện quan hệ song phương không trắc trở như giữa Nga với phương Tây mà còn cho thấy Hy Lạp cùng thuyền nhưng không cùng hội với EU về Nga.
Đối với Nga, việc phân hóa nội bộ EU, NATO và giữa Mỹ với EU có ý nghĩa vừa sách lược vừa chiến lược. Chuyến thăm Hy Lạp vì thế có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện đối với Tổng thống Putin. Hy Lạp thì hành động theo sự mách bảo của lý trí và ý thức rằng lợi ích riêng của nước này không tương đồng với lợi ích chung của EU, NATO và thế giới phương Tây.
|
Hy Lạp hiện chưa hết khó khăn về kinh tế, tài chính và xã hội, khủng hoảng vẫn chưa được khắc phục và vẫn chịu sự áp đặt của EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Athens cần đến đối tác bên ngoài EU và NATO, cần nguồn tài chính hỗ trợ ngoài gói trợ giúp của EU, ECB và IMF, cần hợp đồng thương mại, đầu tư, vốn và thị trường bên ngoài EU.
Nga đáp ứng đủ tất cả và lại đang có nhu cầu tranh thủ những nước châu Âu như Hy Lạp. Hy Lạp chủ ý chấp nhận vì như thế vẫn còn hơn vì lợi chung mà bị hại riêng.
Bình luận (0)