Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Suýt cháy nhà vì hệ thống điện… 'cổ lỗ sĩ'

Ít quan tâm đến hệ thống điện 'cổ lỗ sĩ" theo thời gian mà nhà tôi suýt nữa bị bà hỏa biến thành tro. May mắn ông già bị phỏng nhẹ ở tay, còn má hoảng loạn toàn thân đau nhức, ám ảnh cho người thân là bài học kinh nghiệm xương máu không thể nào quên.

Câu chuyện hệ thống điện "cổ lỗ sĩ" nói ra sợ mọi người cười, chứ không có cái dại nào bằng cái dại nào. Nhưng tôi vẫn muốn kể để độc giả cùng tránh. Một tối ngày đầu năm cách đây không lâu, tôi đang ngủ, giật mình vì tiếng điện thoại reo vang. Ba má tôi đã già, các con ra riêng, nhà chỉ còn hai người. Linh tính cho tôi biết có chuyện gì đó chẳng lành đang xảy ra. Quả nhiên, đầu dây bên kia là giọng em tôi đầy vẻ sợ hãi, hối tôi ghé qua nhà ba má gấp, có... sự cố.

Rờ-le ngắt điện chống rò rỉ tại nhà tôi hiện nay

Rờ-le ngắt điện chống rò rỉ tại nhà tôi hiện nay

Dây diện được đặt vào ống luồn để an toàn

Dây diện được đặt vào ống luồn để an toàn

TGCC

Tầm 5 phút, tôi phóng xe như bay có mặt ngay. Nhà ba má tôi tối đen như mực, tràn mùi khét của nhựa của sơn, của vật liệu bằng gỗ bị cháy, đậm đặc trong không khí. Ba má tôi thì may mắn thoát ra khỏi nhà, toàn thân ướt sũng vì nước. Ông bà run lẩy bẩy nói trong tiếng đứt quãng: "Nhà mình chập điện con ơi! Nhờ ba phản ứng kịp thời, nếu không lửa cháy lan cả xóm thì tội lớn biết chừng nào".

Tôi hiểu liền. Thì ra, hệ thống điện trong nhà ba má tôi có từ chục năm trước. Người thợ có lẽ yếu tay nghề nên đã đi trần dây điện trong nhà mà không cho vào ống luồn. Thậm chí một bảng táp lô mà sử dụng cho hàng mấy thiết bị, gồm: nồi cơm, bếp điện, tủ lạnh, máy giặt.

Nhà vì thế hay có mùi khét trên đường dây. Tiền điện tăng nhiều.

Tôi từng có ý kiến nên thay đổi để tiết kiệm điện tiêu thụ và an toàn hơn nhưng ba má tôi lần lữa với lý do ngày trước nhà nhiều người, nhiều thiết bị tận dụng còn được sử dụng. Nay nhà chỉ còn ba má, đâu có nấu nướng gì quá tải mà gây cháy được.

Việc sử dụng điện an toàn còn giúp để không xảy ra sự cố về lưới điện

Việc sử dụng điện an toàn còn giúp để không xảy ra sự cố về lưới điện

EVNCPC

Quay trở lại với... sự cố nhớ đời. Ba tôi cho biết, ông đang ngủ thì cảm nhận được mùi khét ở khu bếp, nơi nhiều thiết bị nhất nhà nhưng chỉ dùng chung một bảng điện. Nghi ngờ có sự cố xảy ra. Ba tôi nhanh chóng bước ra nhà trước nhanh tay cúp cầu dao tổng. Lúc này, ba thấy ngọn lửa đã bùng lên kẻ một đường dài từ đường dây điện đi trần từ la phông chạy xuống nơi để bình gas nấu bếp...

Ba má tôi mở nắp chiếc hồ nước dự trữ cạnh đấy thi nhau hắt từng thau nước vào ngọn lửa đang lăm le uy hiếp tính mạng, tài sản của gia đình. May sao, ba má dập tắt được đám cháy kịp thời. Xong, ông bà mới gọi cho các con biết. Đêm khuya, hàng xóm cũng không hay. Ba tôi chỉ bị phỏng nhẹ ở tay, má hoảng sợ than nhức toàn thân.

Đêm đó, cả nhà thức trắng. Sáng hôm sau, tôi nhờ một người bạn là chuyên viên ngành điện đến sửa chữa hệ thống điện "cổ lỗ sĩ". Bạn quan sát xong, kết luận nguyên nhân cháy là do sử dụng dây điện không có chất lượng, lắp đặt không khoa học, thiếu an toàn dẫn đến quá tải. Qua thời gian dài sẽ gây tiêu hao điện, cháy nổ. Bạn cũng cho biết, không ít gia đình còn chủ quan trong mua sắm, lắp đặt hệ thống điện trong đó có lý do càng tốn ít tiền càng tốt mà không biết rằng chất lượng dây, phụ kiện, thiết bị mới là quan trọng. Bạn tư vấn cho tôi là tìm sử dụng sản phẩm của các nhà máy sản xuất có thương hiệu, bà con tin cậy: Dẫn điện tốt - cách điện an toàn - tiết kiệm điện.

Tôi đồng ý ngay. Bạn khuyến cáo tôi lần lắp đặt hệ thống điện này, dứt khoát phải sử dụng ống luồn để đạt an toàn cao. Bạn giải thích thêm sẽ thay toàn bộ đường dây điện trong nhà bằng dây cáp điện bọc nhựa PVC và lắp mới các bảng táp lô, tuyệt đối không dùng quá nhiều thiết bị cùng lúc và mua thêm một bình chữa cháy.

Từ ngày thay hệ thống điện mới thay cho ba đồ "cổ lỗ sĩ", ba má tôi yên tâm sử dụng, không còn sợ cảnh cháy nhà nữa.

Bình chữa cháy trang bị trong gia đình tôi sau sự cố kinh hoàng mãi ám ảnh

Bình chữa cháy trang bị trong gia đình tôi sau sự cố kinh hoàng mãi ám ảnh

TGCC

Tôi tự an ủi dù có muộn nhưng đã kịp thời trong việc thay đổi đường dây dẫn điện trong nhà. Anh em tôi cả nhà không hẹn mà... gặp, cùng nhau kiểm tra toàn bộ hệ thống điện trong nhà của mình và rủ nhau đồng bộ mới hết tất cả cho an toàn.

Sau này, trước khi sửa lại nhà mỗi khi ai đến chơi, tôi hay đưa vào khu vực có hệ thống điện… "cổ lỗ sĩ" ngày xưa, chỉ tay lên tường nhà ngay vị trí "vết nám" suýt cháy, để cảnh báo về việc phải nghiêm túc thực hiện việc sử dụng điện tiết kiệm, nhưng phải sao cho đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy nổ.

Một lần đó là tôi sợ... đến già luôn. Mà giờ thì cũng già thiệt rồi.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.