SV Việt đoạt giải thiết kế vi mạch quốc tế

28/04/2011 18:03 GMT+7

Vượt qua nhiều đội chơi đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tăng Phương Phương và Nguyễn Phú Khánh (SV trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã giành ngôi vị quán quân cuộc thi thiết kế vi mạch quốc tế tại Nhật Bản.

Được chọn lọc trong số rất nhiều bài thi nộp về ban tổ chức qua các vòng thi, ý tưởng của Phương và Khánh được ban giám khảo đánh giá cao bởi tính độc đáo và khả năng ứng dụng thực tế. Chủ đề cuộc thi năm nay là thiết kế một vi mạch số dùng để nén và giải nén hình ảnh sử dụng ngôn ngữ mô tả phần cứng. “Thay vì sử dụng gợi ý từ đề thi, tụi mình đã khai thác một mô hình hoàn toàn khác trong quá trình thiết kế vi mạch để cho ra kết quả xử lý với tốc độ nhanh nhất, trong khi chất lượng hình ảnh chân thực nhất”, Phương - đội trưởng và cũng là người đại diện tham dự vòng thi chung kết tại Nhật Bản, cho biết. 

Khánh giải thích thêm: “Thông thường, khi nén và giải nén hình ảnh bằng phần cứng thì độ chính xác không cao bằng phần mềm, còn khi sử dụng phần mềm thì chất lượng hình ảnh được đảm bảo nhưng cần nhiều thời gian hơn phần cứng. Do vậy, bản thiết kế của tụi mình đã khắc phục được cả hai nhược điểm trên, với tốc độ thời gian nhanh hơn gấp 1.000 lần so với khi giải nén bằng phần mềm, trong khi hình ảnh vẫn đảm bảo chất lượng như khi giải nén bằng phần mềm”. Nghiên cứu này đã cho ra sản phẩm cuối cùng là một vi mạch có thể ứng dụng trong các thiết bị xử lý ảnh như máy chụp hình kỹ thuật số, điện thoại… Với kết quả xuất sắc đó, 2 SV này đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực vi mạch của Nhật đến từ các trường ĐH và các doanh nghiệp.


Tăng Phương Phương và Nguyễn Phú Khánh cùng chia sẻ đam mê trong lĩnh vực thiết kế vi mạch - Ảnh: do nhân vật cung cấp 

Cả Phương và Khánh đều công nhận để có được kết quả này một phần quan trọng là nhờ sự phối hợp ăn ý giữa hai người. Cả hai đều là SV năm thứ tư ngành Máy tính và hệ thống nhúng (khoa Điện tử viễn thông). Trong khi Khánh rất giỏi về kỹ thuật lập trình thì Phương lại chuyên sâu về mặt thuật toán. Từ ngày khởi động cuộc thi đến khi hoàn tất, nhóm đã trải qua 3 tháng trời vất vả. Khánh kể lại: “Thời điểm diễn ra cuộc thi cũng là học kỳ căng thẳng chuẩn bị tốt nghiệp. Bên cạnh đó, lịch thi học kỳ dồn dập các môn, xen kẽ là các buổi thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp nên hầu như không có thời gian nghỉ. Không ngày nào tụi mình đi ngủ trước 12 giờ khuya, càng về giai đoạn nước rút thì nhiều hôm thức trắng là bình thường”. Còn Phương hóm hỉnh: “Dù bận rộn vậy nhưng cũng may kết quả đều tốt. Giành được giải vô địch là điều khiến tụi mình cực kỳ bất ngờ, nhưng với điểm trung bình chung học kỳ 8,0 điểm của mình và 7,6 của Khánh thì càng là kỳ tích”.

Ngoài trình độ chuyên môn, thí sinh khi tham dự cuộc thi còn phải có kỹ năng trình bày bằng tiếng Anh. Phương được biết đến không chỉ là SV giỏi nhất lớp mà còn rất "cừ " tiếng Anh. Trong khi Khánh ngoài thứ hạng học tập gần như tốp đầu còn say mê tham gia các hoạt động ngoại khóa. “Được đi nhiều, tham gia các hoạt động thực tiễn mình thấy cuộc sống vui hơn, ý nghĩa hơn".

Dù chưa tốt nghiệp nhưng với các thành tích đạt được, con đường tương lai của 2 nhà vô địch này đang rộng mở. Phương cho biết đang có dự định ở lại trường học sau ĐH và trở thành giảng viên của khoa. Trong khi đó, Khánh đã được một công ty chuyên về thiết kế vi mạch của Mỹ tuyển dụng, chỉ chờ ngày tốt nghiệp sẽ về đó làm.


Tăng Phương Phương đại diện nhận giải tại Nhật Bản   

Cuộc thi do Hiệp hội Cách tân công nghiệp và công nghệ bán dẫn Kyushu (Nhật Bản) tổ chức từ năm 1997, diễn ra hằng năm dành cho SV bậc ĐH và sau ĐH của các trường ĐH, CĐ các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.