(TNO) 'Phải làm gì để vượt Thái Lan?', đã có thời, khi đội tuyển nam Việt Nam cứ hễ gặp tuyển nam Thái Lan là thua chóng vánh, thì đấy đã là một câu hỏi ám ảnh những người lãnh đạo, điều hành bóng đá nước nhà.
>> Tuyển nữ Việt Nam mất suất dự World Cup 2015
>> HLV Trần Vân Phát thừa nhận tuyển nữ Việt Nam bị tâm lý
>> Nhiều khả năng đội tuyển nữ Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Nhật Bản
|
Rồi cũng đến cái ngày chúng ta thắng Thái, đó là bán kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy của mình (3-0) và chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 trên sân Rajamangala của Thái (2-1). Hai chiến thắng cách nhau đúng 10 năm, nhưng nếu đặt câu hỏi là trong và sau 10 năm ấy chất lượng đội tuyển quốc gia của ta đã hơn Thái hay chưa thì câu trả lời chắc chắn là: chưa!
Hai chiến thắng ấy mang nặng dấu ấn hoàn cảnh, khi trận thắng đầu tiên diễn ra trong lúc bóng đá Thái không dồn sức cho Tiger Cup (tên gọi cũ là của AFF Cup), mà đang chuẩn bị cho chiến dịch tấn công vào ASIAD, còn chiến thắng thứ hai lại có sự đóng góp rất nhiều của thần may mắn.
Có nghĩa, chúng ta chỉ có thể thắng Thái trong những trận đấu cụ thể, ở những hoàn cảnh cụ thể, và khi những cái cụ thể qua đi, ai cũng thừa nhận: bóng đá nam Việt Nam vẫn thua bóng đá nam Thái Lan rất dài.
"Phải làm gì để vượt Việt Nam?", đấy lại là câu hỏi mà bóng đá nữ Thái Lan từng hỏi sau lần thua Việt Nam ở chung kết SEA Games 25 (2009) trên đất Lào. Và thực tế thì ngay sau SEA Games ấy họ đã nhanh chóng trả lời câu hỏi bằng cách xóa đi làm lại cả bàn cờ.
Thái xây dựng hệ thống thi đấu giải bóng đá nữ với hai hạng và mỗi hạng cũng luôn có ít nhất 8 đội bóng tham gia. Thái gửi những cầu thủ nữ có tố chất của mình sang Nhật ăn nằm và sau đó gửi cả đội tuyển quốc gia sang Nhật luyện quân dài hạn.
Nó khác nhiều lắm so với một giải Vô địch quốc gia nữ Việt Nam mà gần chục năm qua vẫn chỉ vẻn vẹn 5,6 đội. Nó cũng khác nhiều lắm so với một đội tuyển nữ Việt Nam mà nhiều năm qua cứ mãi quanh quẩn với những chuyến tập huấn Trung Quốc và vừa tập huấn vừa phải kêu ca: "Tập luyện mệt mỏi mà ăn uống đạm bạc quá".
Nhiều người đã rớt nước mắt khi nghe thấy những cô gái được giao trọng trách lịch sử giúp Bóng đá Việt Nam có mặt ở một kỳ World Cup lại phải than vãn, kêu ca như thế!
Và cũng từ những sự tương phản một trời một vực như thế mà điều tất yếu đã xảy ra: chung kết bóng đá nữ SEA Games 27 ở Myanmar rồi "chung kết" tranh vé play off đi World Cup ở sân của mình, ta đều thua Thái với cùng tỷ số 1-2. Thua rõ ràng, thua tâm phục khẩu phục, chứ không phải thua vì những cái râu ria nào khác.
Mới năm 2009 thôi, người Thái còn đặt ra câu hỏi: "Phải làm gì để vượt Việt Nam?", thế mà bây giờ thì bóng đá nữ Thái Lan đã chính thức vượt hẳn bóng đá nữ Việt Nam về đẳng cấp.
Nếu ở bóng đá nam, đã có thời chúng ta luôn đau đáu với hai từ "thắng Thái", và đã thắng được Thái, nhưng sau khi thắng rồi vẫn thấy mình kém Thái thì ở trận địa bóng đá nữ, Thái lại đau đáu với chuyện thắng ta, và chỉ sau hơn 3 năm là đã thắng ta hoàn toàn, thắng ta áp đảo.
Dĩ nhiên, bóng đá nam và bóng đá nữ la hai vùng trời, hai câu chuyện khác nhau. Nhưng từ những gì đã xảy ra người ta cũng có ít nhiều cơ sở để trả lời câu hỏi, giữa những nhà quản lý bóng đá ta và Thái, rốt cuộc thì ai có cái nhìn chiến lược và có tư duy triển khai triển lược giỏi hơn ai?
Ai nhỉ?
Phan Đăng
Bình luận (0)