Tác chiến điện tử Nga hiệu quả ở Ukraine, nhưng Mỹ cũng được lợi

Văn Khoa
Văn Khoa
11/05/2024 16:45 GMT+7

Tác chiến điện tử của Nga đã gây rắc rối cho một số vũ khí chính xác do Mỹ sản xuất ở Ukraine, nhưng Moscow cũng đang báo hiệu cho Washington cần chuẩn bị gì cho những cuộc chiến tương lai.

Ukraine đã sử dụng các loại vũ khí chính xác của Mỹ, chẳng hạn như Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) và bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng tác chiến điện tử lan rộng của Nga thường xuyên làm giảm hiệu quả của những vũ khí này, theo báo Business Insider ngày 10.5.

HIMARS trong một lần được khai hỏa ở Ukraine

HIMARS trong một lần được khai hỏa ở Ukraine

Reuters

Trung tướng Antonio Aguto, đang giữ chức chỉ huy Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, nói rằng tác chiến điện tử nhắm vào một số "năng lực chính xác nhất" của Mỹ là "một thách thức". Các quan chức Mỹ cũng đã xác định những vấn đề này và cho biết thêm Mỹ và Ukraine đang nỗ lực tìm giải pháp.

Bất kỳ biện pháp khắc phục nào được phát triển nhằm giải quyết thách thức do tác chiến điện tử đặt ra sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine, mà còn giúp Mỹ giải quyết các vấn đề nước này lo ngại lâu nay khi Washington chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc xung đột lớn, theo Business Insider.

Tác chiến điện tử Nga làm đạn dẫn đường "mất thiêng" ở Ukraine, Mỹ học được gì?

Nga khiến hiệu quả của vũ khí Mỹ ở Ukraine giảm mạnh?

Tác chiến điện tử có thể được thực hiện bằng công nghệ ít tốn kém nhưng hiệu quả và cả Nga lẫn Ukraine đều đang sử dụng phương thức tác chiến này một cách rộng rãi. Tác chiến điện tử không chỉ được sử dụng để phá hủy các loại đạn dẫn đường chính xác mà còn có thể được dùng để gây xáo trộn kết nối giữa người điều khiển và máy bay không người lái trinh sát hoặc tấn công.

Trong quân đội Nga, có lẽ mối quan tâm đến việc sử dụng tác chiến điện tử trong chiến đấu ngày càng tăng, đặc biệt là trong khoảng một năm trở lại đây, vì phương thức tác chiến này rất hiệu quả trong việc chống lại những loại vũ khí chính xác do Mỹ cung cấp, theo Business Insider.

Tác chiến điện tử Nga hiệu quả ở Ukraine, nhưng Mỹ cũng được lợi- Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine trong một lần khai hỏa lựu pháo M777 ở tỉnh Donetsk

Reuters

Những đạn chính xác như Excalibur có thể được bắn từ lựu pháo M777 và HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine đang có độ chính xác giảm đáng kinh ngạc do bị gây nhiễu. "Triết lý đằng sau những loại vũ khí như Excalibur và JDAM là sự phụ thuộc của chúng vào GNSS (Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) ở một mức độ nào đó được cho là mang lại mức độ chính xác cao", ông Thomas Withington, chuyên gia về tác chiến điện tử và phòng không tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

Ông Daniel Patt, thành viên cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ), đã viết trong một tuyên bố trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3 rằng đạn pháo Excalibur 155 mm được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) "đạt hiệu quả bắn trúng mục tiêu tới 70% khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine" nhưng "sau 6 tuần, hiệu quả giảm xuống chỉ còn 6% do Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử của họ để chống lại loại đạn đó".

Ông Patt nói thêm rằng "hiệu quả cao nhất của hệ thống vũ khí mới duy trì được chỉ khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp đối phó xuất hiện". Đó là thông tin có giá trị cho Mỹ khi nước này chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai, theo Business Insider.

Pháo binh Ukraine chơi trò "đuổi bắt" với máy bay không người lái Nga

Cơ hội cho Mỹ

Business Insider trước đó dẫn lời một chuyên gia quốc phòng cho rằng cuộc chiến ở Ukraine là một "cơ hội tình báo" và mang đến cho Mỹ cơ hội tìm hiểu cách thức hoạt động của các loại vũ khí chính xác của nước này trước các mối đe dọa hiện đại như tác chiến điện tử. Đó không phải là lý thuyết mà thực tế là Mỹ đang chứng kiến Nga đang sử dụng vũ khí của nước này trong một cuộc chiến thực sự.

Thông tin tình báo về chiến tranh được xây dựng, và có lẽ sẽ thúc đẩy nhiều năm nghiên cứu cũng như thảo luận giữa các quan chức, chuyên gia quốc phòng Mỹ về tác động của tác chiến điện tử đến kho vũ khí của Mỹ trong một cuộc xung đột lớn và Mỹ sẽ cần phải thích nghi như thế nào.

Đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực khắc phục những mối đe dọa từ tác chiến điện tử bằng cách tập trung vào các lựa chọn như tạo ra các tín hiệu mạnh hơn có khả năng vô hiệu hóa những nỗ lực gây nhiễu.

Trạm gây nhiễu tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga

Trạm gây nhiễu tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga

Chụp màn hình Business Insider

Tuy nhiên, các mối đe dọa "nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận về việc mong đợi 'những thứ thay đổi cuộc chơi", theo ông Cancian. "Phía bên kia luôn đưa ra các biện pháp đối phó làm giảm hiệu quả", ông Cancian bình luận.

Bất chấp thách thức, Mỹ không nên loại bỏ hoàn toàn vũ khí chính xác của mình để phòng trường hợp một ngày nào đó nước này rơi vào cuộc chiến với một nước khác, có thể là Nga hoặc Trung Quốc, những nước gần như chắc chắn cũng sẽ sử dụng tác chiến điện tử, theo Business Insider.

Tại một sự kiện truyền thông hồi đầu tháng này, ông Doug Bush, đứng đầu bộ phận mua sắm của Lục quân Mỹ, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga có thể gây nhiễu vũ khí của Mỹ. Ông khẳng định đây là một phần trong "chu kỳ liên tục" về đổi mới của cả hai bên, đồng thời cho hay Mỹ học được rằng "với bất kỳ loại vũ khí chính xác nào, bạn cần có nhiều cách để dẫn nó tới mục tiêu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.