'Tắc' chính sách bảo tồn biệt thự xưa

20/06/2015 06:10 GMT+7

“Có cảm giác cứ mỗi ngày lại có một biệt thự bị phá”, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nói trong tọa đàm về Di sản phương Tây tại Đông Nam Á vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Có cảm giác cứ mỗi ngày lại có một biệt thự bị phá”, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nói trong tọa đàm về Di sản phương Tây tại Đông Nam Á vừa diễn ra tại Hà Nội.

Biệt thự Pháp xưa ở Hà Nội là những di sản kiến trúc đô thị - Ảnh: Ngọc Thắng
Biệt thự Pháp xưa ở Hà Nội là những di sản kiến trúc đô thị - Ảnh: Ngọc Thắng
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa bắt đầu câu chuyện về các di sản phương Tây bằng lời giới thiệu: “Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội”. Ông Hòa, vì thế, tự thấy mình rất gần gũi với các di sản kiến trúc phương Tây đã để lại, cả ở Hà Nội và TP.HCM.
Làm sao có thể công nhận di sản hàng ngàn cái nhà được. Chúng ta phải giữ chúng từ góc độ cảnh quan đô thị và lịch sử
GS-KTS Hoàng Đạo Kính
Ông cũng từng là nhà nghiên cứu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nên tình cảm yêu mến còn được đặt bên cạnh kiến thức về kiến trúc và bảo tồn.
“Ở TP.HCM, việc phát triển mạnh đến nỗi có cảm giác cứ mỗi ngày lại có một biệt thự bị phá”, ông Hòa nói.
Đừng chờ biệt thự thành di tích mới bảo tồn
Ở Hà Nội, việc giữ gìn các ngôi nhà biệt thự từ thời Pháp cũng không dễ dàng hơn. Thậm chí, theo một nhà nghiên cứu, có những nhà biệt thự giờ chưa bị phá là bởi có quá nhiều người cùng ở trong ngôi nhà đó. Nếu giải quyết được vấn đề sở hữu thu về một mối thì chắc chắn nó bị phá. Bởi, nếu được nâng tầng vọt lên chắc chắn giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của các biệt thự này sẽ nâng lên hơn nhiều.
Nhưng trên nền phát triển và giá trị như vậy các nhà khoa học vẫn đặt vấn đề phải giữ quỹ di sản này. “Đấy chính là di sản kiến trúc đô thị. Nó không chỉ cho thấy diện mạo của lịch sử, mà tự thân nó cũng mang giá trị kiến trúc, đô thị, lịch sử”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.
GS Kính cho rằng, điều chúng ta phải đối mặt bây giờ chính là tính khả thi của việc gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị này. “Hiện việc bảo tồn còn khó vì chúng ta chưa nắm rõ hai khái niệm bảo tồn di tích với bảo tồn di sản kiến trúc. Điều đó dẫn đến việc với một ngôi biệt thự, chúng ta cứ chờ Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích”, ông nói.
Biệt thự Pháp xưa ở Hà Nội là những di sản kiến trúc đô thị - 2
Trong khi đó, quỹ tài sản kiến trúc đô thị này lại có giá trị sử dụng, nghĩa là nó là di sản sống. Vì thế, không thể coi nó như di tích hết được. Với Nhà hát Lớn hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì có thể. Nhưng sẽ vẫn có những di sản khác không được công nhận bởi luật Di sản, thuộc các sở khác không phải Sở VH-TT-DL quản lý. “Làm sao có thể công nhận di sản hàng ngàn cái nhà được. Chúng ta phải giữ chúng từ góc độ cảnh quan đô thị và lịch sử. Đó là những cái về kỹ thuật phải bảo tồn tuy không phải di tích. Chúng ta đừng chờ thành di tích rồi mới bảo tồn”, ông Kính nói.
Chính sách nào cho biệt thự xưa ?
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay để bảo tồn nhà biệt thự Pháp lại chính là chính sách chứ không phải các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật. “Hàng trăm biệt thự đã thành nhà tập thể nên bây giờ muốn giải tỏa thì phải giải tỏa hàng chục gia đình. Bế tắc là xáo trộn sở hữu. Cần chính sách thế nào chứ không phải câu chuyện về kỹ thuật”, GS Hoàng Đạo Kính nói.
Ông Trần Đức Lộc, nhà nghiên cứu gắn liền với Đà Lạt, địa phương cũng đang cố gắng giữ quỹ di sản biệt thự, cho rằng, cái khó là làm sao để công nhận biệt thự Đà Lạt là di sản đô thị rừng. Di sản kiến trúc này đã được kiểm kê từ 2008. Một đề tài nghiên cứu cũng được thực hiện năm 2010. “Những tài liệu này đưa đến quyết định quản lý trên cơ sở nghiên cứu, Sở tham mưu cho tỉnh ban hành đề án lần 2 sử dụng quỹ biệt thự hợp lý. Nhóm chỉ cho thuê. Nhóm cho phép cải tạo. Nhóm được quyền ăn ở. Để phát triển biệt thự, phải làm sao đưa vào phục vụ du lịch”, ông Lộc cho biết.
Nhưng bất chấp việc các biệt thự đều có dự án kiểm kê tại Hà Nội, Đà Lạt, TP.HCM, các tư liệu nền về chúng cũng chưa dày. “Chúng ta cần ưu tiên việc tiếp nhận khai thác các nghiên cứu của đồng nghiệp Pháp. Tôi chưa nói đến những kho tư liệu ở nước ngoài. Tôi đến các trung tâm lưu trữ quốc gia cũng không thấy sinh viên kiến trúc đến nghiên cứu hồ sơ lưu trữ. Ở đó chỉ chủ yếu là người nước ngoài đến. Cần nghiên cứu di sản kiến trúc từ thực địa kết hợp làm việc tối đa với tư liệu”, ông Kính nói.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng để cứu quỹ biệt thự, người làm quản lý phải hiểu biết. “Người làm quản lý mà xem những thứ mà nhà nghiên cứu chúng ta nói là xem cho vui thì tất cả nghiên cứu của chúng ta sẽ không có giá trị. Làm sao cho giới chuyên môn tác động đến lãnh đạo; các sở xây dựng, sở kiến trúc theo con đường pháp lý quản lý các bảo tồn mới được, chứ chỉ nỗ lực mang tính hội hè hay nghiên cứu thì không ăn thua”, ông Hòa nói.
Cũng theo các nhà khoa học, nếu coi các biệt thự là di sản mà không phải di tích, thì phải cho phép nó có những phát triển phù hợp với đời sống đương đại. Chẳng hạn, nhà ống ở phố cổ Hà Nội cũng có những sửa sang.
Chủ nhân ngôi nhà 105 Hàng Buồm cho biết gia đình đã giữ nguyên giếng trời, tầng trên cùng có kính đẩy ra đẩy vào lúc mưa nắng, sân trong, tạo độ thông thoáng. Gia đình ở 65 Lãn Ông cũng chỉ sửa sang và giữ toàn bộ 3 sân trong theo kiểu truyền thống. Với phố cổ Hà Nội, chiều cao xây dựng cũng được quy định rõ ràng để không vượt quá 12 m và phù hợp với nhà xung quanh. Diện tích làm sân cũng được quy định cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.