Tác động của biến đổi khí hậu đang vượt xa mức ghi nhận kỷ lục

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/05/2018 14:32 GMT+7

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Việt Nam ghi nhận các tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hơn, với các diễn biến gần đây vượt xa mức ghi nhận là kỷ lục trước đó.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết thông tin trên tại buổi đối thoại với thanh niên về biến đổi khí hậu, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 8.5.
Buổi đối thoại thu hút hàng ngàn sinh viên và các nhà khoa học trẻ ở các trường đại học tham dự.
Các đại biểu dự buổi đối thoại với thanh niên về biến đổi khí hậu Ảnh Vũ Thơ
Ông Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Xu hướng bão lũ, hạn hán, nước biển dâng gây sạt lở đất, đá ngày càng có cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.
"Nếu không có những giải pháp ứng phó một cách hệ thống, tổng thể, hiệu quả, chúng ta sẽ đối mặt những nguy cơ hiện hữu thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước", ông Cường nói. 
Ông Cường cũng cho biết, Việt Nam đã sớm tham gia ký các Công ước, Nghị định thư và các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách và ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu...  
“Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra trên thực tế rất nhanh; còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện, đặc biệt là trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành...",  ông Cường đánh giá.
Ông Cường cho biết, theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2016 đã trở thành năm nóng nhất lịch sử tồn tại của loài người, với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Việt Nam cũng ghi nhận các tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hơn, với các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó.
Cũng theo ông Cường, mọi công dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, phải tiếp tục nâng cao tiếng nói để chống biến đổi khí hậu, bởi vì thế hệ trẻ hôm nay và mai sau xứng đáng có được cuộc sống trong một thế giới sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.
“Thanh niên, thế hệ trẻ là những người giỏi và năng động trong phổ biến, truyền bá thói quen ứng dụng và phát triển công nghệ mới, góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, các bạn có khả năng thích ứng tốt và có thể nhanh chóng xây dựng một phong cách sống mới là phong cách sống “xanh”, ít phát thải và truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình”, ông Cường nhấn mạnh.
Triển khai chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu
Tại buổi đối thoại, AFD và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tuyên bố triển khai chương trình GEMMES Việt Nam, một chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu. Đây cũng là nội dung chính của Bản thỏa thuận MOU, được kí kết giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng giám đốc AFD tại Phủ Tổng thống Pháp vào ngày 27.3 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Macron, nhân chuyến công du của Tổng bí thư tại Pháp.
Chương trình GEMMES Việt Nam cũng là một trong những nội dung được đề cập đến trong bản Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp nhân chuyến công du này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.