Tác động của lời đề nghị

06/07/2015 08:14 GMT+7

Tổng thư ký Ban Ki-moon vừa ngỏ ý Liên Hiệp Quốc sẵn sàng tham gia giúp Guyana và Venezuela giải quyết ổn thỏa tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.

Tổng thư ký Ban Ki-moon vừa ngỏ ý Liên Hiệp Quốc sẵn sàng tham gia giúp Guyana và Venezuela giải quyết ổn thỏa tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.

Tổng thư ký Ban Ki-moon ngỏ ý Liên Hiệp Quốc sẵn sàng tiếp tục sứ mệnh trung gian
giúp Guyana và Venezuela giải quyết tranh chấp - Ảnh: Reuters
Ông Ban đưa ra đề nghị trung gian hòa giải này tại hội nghị cấp cao của tổ chức Cộng đồng Caribe (Caricom) vừa diễn ra ở Barbados. Bất hòa giữa Guyana và Venezuela đã phủ bóng đen xuống sự kiện thường niên của tổ chức bao gồm 15 thành viên ở vùng Caribe.
Đề nghị nói trên cũng không hoàn toàn mới. Trước đây, Liên Hiệp Quốc đã cử đặc phái viên là ông Norman Girvan, người Jamaica, với sứ mệnh trung gian hòa giải giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Girvan đã qua đời năm 2014 và đến nay Liên Hiệp Quốc vẫn chưa cử ai thay thế. Như vậy, Liên Hiệp Quốc đã có can dự trực tiếp vào tranh chấp giữa Guyana và Venezuela nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể đáng kể nào.
Việc ông Ban Ki-moon ngỏ ý Liên Hiệp Quốc sẵn sàng tiếp tục sứ mệnh trung gian vừa thể hiện thiện chí vừa cho thấy nhận thức đúng đắn về trách nhiệm phải kiên trì nỗ lực đến cùng chứ không để dở dang những gì đã quyết định. Điều này rất quan trọng và có thể rất hữu ích đối với Liên Hiệp Quốc bởi chuyện tranh chấp chủ quyền đang rất thời sự và nổi cộm ở nhiều khu vực trên thế giới. Thành công của Liên Hiệp Quốc trong chuyện Guyana - Venezuela có thể tạo đà cho thành công ở nơi khác.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên thế giới vốn rất nan giải và nhạy cảm về mọi phương diện, lại thường bị xem là chuyện song phương chứ không phải của cả thế giới. Các bên liên quan không mặn mà với sự can dự của Liên Hiệp Quốc, nhưng ai cũng ghi nhận sự quan tâm và thiện ý của tổ chức này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.