Tác động sau phán quyết vụ kiện Biển Đông

23/07/2016 14:42 GMT+7

Các chuyên gia tham gia hội thảo nhấn mạnh vai trò quan trọng của biện pháp pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển; đánh giá phán quyết vụ kiện Biển Đông sẽ là nền tảng cho nhiều thay đổi ở khu vực.

Ngày 23.7,  Trường Đại học Luật TP
phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu và 20 diễn giả uy tín trong lĩnh vực chính trị, luật biển quốc tế từ Nga, Nhật Bản, Philippines, Úc, Bỉ và Việt Nam.
Vào buổi sáng, các chuyên gia đã thảo luận về các quy định liên quan đến cách thức giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 thông qua các biện pháp tài phán, trong đó đề cập trực tiếp tới vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trong phiên thảo luận, các học giả nhấn mạnh vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông do Tòa trọng tài, được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS, thụ lý và đưa ra phán quyết. 
Các chuyên gia tham gia hội thảo nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ chế pháp lý trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, đặc biệt là phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài đối với vụ kiện Biển Đông. Phán quyết này đồng thời cũng dẫn tới nhiều thay đổi chính sách ở khu vực.
Trong tham luận "Vai trò của trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông", Giáo sư (GS) Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc đã đặt vấn đề rằng: Liệu quá trình giải quyết của Tòa trọng tài có phải là hình mẫu cho các nước khác trong khu vực hay không? Ông Thayer chỉ ra rằng, dù phán quyết của tòa đã bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc, mọi thứ vẫn còn quá sớm để đánh giá xác đáng vai trò của phán quyết đối với các nước liên quan. Như ông đề cập trong phần trình bày, đến nay Trung Quốc vẫn cương quyết tuyên bố không chấp nhận tính hợp pháp của phán quyết và sẽ không tuân thủ kết luận của Tòa trọng tài.
GS. Thayer (trái) và GS. Rothwell (phải) tại hội thảo Ngọc Mai
Theo GS. Thayer, yếu tố pháp lý sẽ là nền tảng để để đối phó với việc “Trung Quốc đứng trên pháp luật và phá hoại UNCLOS” và “phá vỡ các quy tắc nền tảng của trật tự khu vực” trong các cuộc đấu tranh dai dẳng trong tương lai. Theo ông, thời gian tới, các nước cần tạo ra các cuộc tranh luận trên cả ba mặt trận gồm ngoại giao, chính trị và chiến lược quân sự.
Mặt trận ngoại giao sẽ là phương tiện quan trọng để mở cho Trung Quốc con đường “giữ thể diện” và “hạ bớt giọng cao ngạo” của mình. Theo GS. Thayer, các phán quyết là nền tảng để ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) một cách toàn diện hơn. Bên cạnh đó, GS. Thayer cũng cho rằng, kênh ngoại giao có thể giúp ASEAN quan sát dễ dàng hơn các hệ quả pháp lý từ phán quyết của Tòa trọng tài, tránh làm gia tăng căng thẳng.
Với mặt trận chính trị, ông Thayer cho rằng các nước liên quan cần nhanh chóng tiến hành thống kê và công bố cho cộng đồng quốc tế các vụ việc bị tàu cá và tàu tuần tra của Trung Quốc tấn công. Các nước trong ASEAN nên liên kết xây dựng một chương trình chung, thông qua đó báo cáo các hoạt động hung hăng và vi phạm của tàu cá và tàu tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông.
Về chiến lược quân sự, GS. Thayer cũng đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đưa ra cho Trung Quốc một cánh cửa hợp tác, cũng như để nhắc nhở Trung Quốc những cái giá phải trả nếu quốc gia này tiếp tục có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các quốc gia cần chú trọng đến những cơ chế an ninh khu vực mang tính đa phương.
"Các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục nâng tầm và đề cập thường xuyên" trong các chương trình nghị sự quốc tế và khu vực, GS. Thayer cho biết. Ông cũng đặc biệt lưu ý đến hai cuộc gặp gỡ đa phương sắp đến là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Cũng đề cập đến sự thay đổi chính sách trong khu vực sau phán quyết của Tòa trọng tài, Giáo sư Donald Rothwell, Đại học quốc gia Úc, cho rằng các nước trong đó có Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng các hệ quả trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc thời gian tới. 
Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, ông Rothwell nói: “Một trong những hệ quả có khả năng xảy ra, đó là phía Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán cụ thể hơn và thực chất hơn với phía Philippines về vấn đề Biển Đông. Khi đó, có thể phía Trung Quốc cũng sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với phía Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Rothswell cũng lưu ý rằng: “Nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của tòa trọng tài, Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án tự tiến hành quy trình pháp lý theo đúng luật pháp quốc tế, hoặc cố gắng sử dụng các cơ chế khu vực”.

Tác động của phán quyết vụ kiện Biển Đông sẽ được tiếp tục thảo luận trong phiên làm việc chiều 23.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.