Vấn đề là hình như các nhà cung cấp loại dịch vụ gây nghiện này cũng như các nhà quản lý không chịu nhìn, không chịu quan tâm đến những tác hại của game online nên mới có những suy nghĩ duy kinh tế và vô cảm như thời gian vừa qua.
Thật vậy, nghiên cứu về tác động của các trò chơi bạo lực đối với giới trẻ đã được thực hiện từ hai thập niên trước chứ không phải mới đây. Trong gần như tất cả nghiên cứu thì các nhà nghiên cứu luôn nhận thấy có mối quan hệ tương quan giữa việc chơi game với thành tích học tập của học sinh, sinh viên.
Cụ thể như trong nghiên cứu của Harris và Williams vào năm 1985 cho thấy những học sinh bậc trung học phổ thông nào bỏ nhiều thời gian hoặc nhiều tiền để chơi game thì cũng là những học sinh có kết quả học tập kém nhất trong lớp. Nghiên cứu của Lieberman và cộng sự vào năm 1988 cho thấy những học sinh dùng máy vi tính để chơi game luôn có kết quả học tập kém hơn những học sinh dùng máy vi tính làm bài tập.
Các nghiên cứu nơi nhóm sinh viên cao đẳng của các tác giả Anderson và Dill (2000) hoặc của Paschke, Green và Gentile (2001) cũng cho thấy một kết quả tương tự, tức có sự tỉ lệ nghịch giữa thời gian dành cho game và thành tích học tập.
Tuy nhiên những nghiên cứu về tác động của game online không chỉ đề cập đối với vấn đề học tập mà phần lớn là nghiên cứu tác động đối với các hành vi của người chơi, bởi đa số các game đều là bạo lực. Chẳng hạn như một nghiên cứu phân tích về nội dung game trực tuyến vào năm 2001 cho thấy có đến 89% có chứa nội dung bạo lực, trong số đó hơn phân nửa có những nội dung bạo lực nghiêm trọng (Children Now, 2001).
Một nghiên cứu đồ sộ do Anderson và Bushman thực hiện vào năm 2001 trên một mẫu gồm 4.262 người cho thấy có năm mối quan hệ giữa các trò chơi bạo lực với hành vi của người chơi như sau: 1/ chơi game bạo lực làm tăng các hành vi gây hấn, 2/ làm tăng các quan niệm bạo lực, 3/ làm gia tăng các xúc cảm bạo lực, 4/ gia tăng tâm lý hận thù nơi người chơi và 5/ chơi nhiều game bạo lực sẽ làm giảm các hành vi hợp chuẩn mực xã hội.
Đặc biệt những tác động này có ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành, nơi nam giới cũng như nữ giới, và những phát hiện như vậy được tìm thấy trong các nghiên cứu thực nghiệm lẫn lý thuyết.
Điểm qua một vài nghiên cứu cho thấy tác động của game online đối với hành vi của cá nhân là có thật và đã được kiểm chứng qua các nghiên cứu từ rất lâu chứ không phải là chưa có. Điều cần phải nói là sự tàn phá của nó đối với nhân cách người chơi, mối quan hệ gia đình và cái giá phải trả của xã hội là lớn hơn rất nhiều phần nộp ngân sách của những nhà cung cấp dịch vụ. Do đó để giải quyết vấn đề game online cần phải nhìn một cách toàn diện chứ không chỉ có kinh tế như lâu nay được.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)