Củ cải có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến là củ cải trắng, củ cải đỏ. Một chén củ cải chứa gần 2 gram chất xơ, cung cấp khoảng 20% lượng vitamin C hằng ngày, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Củ cải chứa nhiều chất chống ô xy hóa
Ngoài ra, trong củ cải còn có kali, canxi, chất chống ô xy hóa cùng nhiều dưỡng chất có lợi khác. Một số dưỡng chất trong củ cải có tác dụng tăng hàm lượng chất chống ô xy hóa glutathione trong cơ thể. Đây là chất chống ô xy hóa được gan tạo ra và rất cần thiết cho quá trình giải độc của cơ thể.
Củ cải còn là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, một chất chống ô xy hóa được chứng minh là có thể giúp chống lại một số loại ung thư. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Science phát hiện dùng liều cao vitamin C có thể giúp chống lại ung thư đại trực tràng. Các tế bào ung thư đại trực tràng đã hấp thụ một dạng vitamin C bị ô xy hóa, từ đó gây gián đoạn các quá trình sinh học của tế bào ung thư và khiến chúng chết dần.
Hạt củ cải cũng có tác dụng chống ung thư vú. Một nghiên cứu trên chuyên san Phytomedicine phát hiện chất sulforaphane trong hạt củ cải có tác dụng làm giảm khả năng phân chia của tế bào ung thư và khiến chúng chết nhanh hơn.
Lá cải cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi
Củ cải chúng ta ăn là rễ của cây, trong khi lá cây thường sẽ bị vứt đi. Tuy nhiên, một điều không phải ai cũng biết là lá cải cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi. Nghiên cứu cho thấy lá không chỉ chứa chất chống ô xy hóa glucosinolate có tác dụng chống ung thư mà còn cả sulforaphane và sulforaphane. Đây là 2 chất giúp kích hoạt các enzyme giải độc và ngăn ngừa ung thư.
Thân và mầm củ cải cũng giàu các dưỡng chất có lợi khác. Nghiên cứu trên chuyên san Trends in Food Science and Technology cho thấy thân củ cải có hàm lượng cao protein, kali và vitamin C, trong khi mầm củ cải lại giàu vitamin A. Để tận dụng lợi ích của củ cải, mọi người có thể luộc chín, nấu với các món có nước, hấp hay xào đều được, theo Verywell Health.
Bình luận (0)