Nhiệt huyết tuổi thanh xuân
37 năm về trước, không ít người đã nén lòng dõi nghe lời bài hát Người mẹ Bàn Cờ liên tục phát trên sóng phát thanh của nhiều tỉnh thành và vùng giải phóng. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của một bạn học cùng ý chí tranh đấu, đó là anh sinh viên (SV) trường Văn khoa Sài Gòn Nguyễn Kim Ngân. Ngay sau khi ra đời vào khoảng giữa năm 1970, Người mẹ Bàn Cờ nhanh chóng lan truyền trong giới học sinh, SV và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống đồng bào đi theo cách mạng. Nhiều người thuộc nằm lòng, xem như một ngọn nến thắp sáng niềm tin. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người mẹ, người chị miền Nam can trường, thầm lặng hy sinh đã được chàng SV xuất thân từ quê nghèo miền Trung khắc tạc vào thi ca bằng chính tình cảm tri ân hết sức chân thành.
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân sinh ngày 13/7/1946, tại Sông Cầu, Phú Yên. Tốt nghiệp Cử nhân Triết phương Tây - Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, SV Sài Gòn - Gia Định từ 1960 đến 1972, đến năm 1972 ông bị bắt. Sau giải phóng, ông về dạy học tại Phú Yên. Có thơ đăng trên các báo, tạp chí, tuyển tập từ năm 1964 như: Ngày Nay, Tia Sáng, SV, Đối Diện, Thơ Máu, Thơ miền Trung thế kỷ XX... |
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân luôn rất mực trân trọng những ngày ở miền Nam. Nơi ấy, ông đã trải qua những tháng ngày chông chênh nhưng lẫm liệt nhất trong đời. Nơi ấy, tấm lòng của những người mẹ, người chị đã không biết bao nhiêu lần chở che, cưu mang ông và những người bạn tranh đấu thoát chết trong gang tấc từ vòng vây tầng tầng lớp lớp của kẻ thù. Sau khi người bố anh dũng hy sinh, năm 1960, bà ngoại bán ruộng vườn lấy tiền cho ông vào Sài Gòn ăn học, chàng trai mới tròn tuổi 16 ngay lập tức hòa mình vào những đoàn người tranh đấu và những đêm nhạc "hát cho dân tôi nghe" trên khắp mọi ngả đường. Cho đến giờ, ông vẫn chưa thể nguôi ngoai ký ức xưa cũ.
Đôi mắt già từng trải rưng rưng rớm lệ khi ông nhắc đến thời khắc đầu tiên sống trên đất Sài Gòn: "Tôi vào ở trọ nhà của người bà con ở khu xóm Chùa - Tân Định. Trong đợt Nguyễn Chánh Thi chỉ huy lực lượng dù đảo chính bao vây Dinh Độc Lập, dòng người lũ lượt đổ xuống đường. Tưởng như cuộc đảo chính thành công, nào ngờ mấy hôm sau, được sự yểm trợ của thuộc cấp thân cận, Ngô Đình Diệm từ việc cố thủ chuyển sang phản công một mất một còn. Đạn đại liên từ trong Dinh Độc Lập bắn ra liên hồi về bốn phía. Đoàn người xuống đường chết như ngả rạ. Các nhà thương đều bị quá tải. Rất nhiều nạn nhân la liệt nằm dưới sàn nhà vì không đủ giường bệnh...".
Niềm vui bên hoa lan, cây cảnh. Ảnh: N.T - Đ.P |
Ông bảo ngoài thời gian học hành, ông chỉ biết tham gia đấu tranh. Khi còn đang học ở trường Pétrus Ký, rất nhiều học sinh có biểu hiện chống đối chính quyền đã bị đuổi học. Ông may mắn không bị xếp vào nhóm "cần phải quan tâm xử lý" vì có người quen làm giám học trong trường. "Hôm 9/1/1965, anh em tổ chức tưởng nhớ liệt sĩ Trần Văn Ơn để nhân dịp này sẽ kêu gọi bãi khóa toàn trường. Tôi được giao nhiệm vụ đốt pháo hiệu triệu, rải truyền đơn. Vào giữa giờ học buổi sáng, tôi ra nhà xe châm lửa đốt phong pháo. Ngay sau đó, học sinh từ các phòng túa ra sân trường, lấy đá ba lát ném vào các trụ sở, nha cảnh sát...".
Ký ức Người mẹ Bàn Cờ
Những năm ấy, Bàn Cờ là khu vực xảy ra nhiều biến cố sống còn đối với cuộc đời nhà thơ Nguyễn Kim Ngân. Hai lần ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Ông kể: "VN quốc tự hồi đó là nơi anh em trong giới tranh đấu thường hay lui tới, họp bàn kế hoạch xuống đường biểu tình. Sau khi tên mật thám Kiều Công Hai bị giết chết, VN quốc tự bị bố ráp ngày đêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhiều anh em, trong đó có tôi bị mắc kẹt bên trong nhiều ngày liền, không còn gì để lót dạ. Do phải dự kỳ thi tú tài 2 ở trường Pétrus Ký nên tôi quyết tìm cách thoát ra ngoài. Lợi dụng lúc bọn lính thay ca, tôi lẻn qua hàng rào thép gai. Bọn lính lăm lăm cầm súng dí theo. Tôi chạy thục mạng, lách vào một nhà dân thì thấy có cô gái đang ủi áo quần. Mưu trí của cô gái mà tôi chẳng quen biết kia đã vô hiệu hóa sự truy sát của bọn lính".
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân thời SV. Ảnh: N.T - Đ.P |
***
Sau những biến cố trong đời, ông quay về quê cũ với cuộc sống quá đỗi bình dị và không mấy suôn sẻ như đã có lần ông nhắc trong thơ: Về vườn xưa cứ thương nhớ hoa cau/Sau chiến tranh mẹ không trồng lại nữa/... Ngôi nhà mình trống dột cả trước sau/Bữa cơm chiều một mình ngồi trên đất. Dường như mọi sự may mắn đã không đến với ông. Ông vừa dạy học vừa làm lụng đủ thứ việc để nuôi vợ và 3 đứa con ăn học. Dù đã có hàng chục năm làm hiệu trưởng của một trường trung học, sự khó nghèo vẫn cứ bám riết đời ông. Vì thích, ông lên núi săn tìm lan, cây cảnh về giăng đầy trong vườn. Ông chăm cây như chăm con nhỏ. Có cây ông muốn bán thì người ta không mua. Những cây khách muốn mua thì ông lại không nỡ bán.
Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ được tác giả đề tặng bạn đọc Báo Thanh Niên. Ảnh: N.T - Đ.P |
Trong ngôi nhà vách đất tĩnh mịch, ông loay hoay mãi cũng chỉ tìm được 3 chiếc ghế gỗ xuềnh xoàng. Mấy năm trước, ông vay vốn cật lực đào hồ nuôi tôm mong xây đắp cuộc sống cho vợ con bớt phần khó khăn. Ước vọng ấp ủ cuối đời này của ông cứ gặp trắc trở bởi liên tiếp những mùa tôm chết trắng hồ vì dịch bệnh. Tập thơ chép tay hơn 100 bài được ông sáng tác từ thời tranh đấu đến nay vẫn còn bỏ quên trong tủ vì không có tiền để in. Khổ là thế, nhưng chẳng thấy ông than phiền điều gì. Ông bảo sống được đến giờ đã là quá may lắm rồi!
Ngọc Toàn - Đình Phú
Bình luận (0)