Bài: Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM)
Năm 2014, tôi có sáng tác một ca khúc trữ tình về tình yêu đôi lứa. Tác phẩm này được công chúng đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, năm 2015, trong một dịp nghe nhạc trên Zing mp3, tôi tình cờ phát hiện bài hát của mình bị một bạn trẻ đạo nhạc một cách trắng trợn. Phần lời bài hát sao chép toàn bộ 100% lời bài hát của tôi, còn phần nhạc thì chỉnh sửa lại theo thể loại Disco polo. Như vậy, xin luật sư cho tôi hỏi:
- Việc người khác không phải là tác giả bài hát này lấy lời bài hát của tôi và chỉnh sửa lại phần nhạc thì tôi phải xử lý như thế nào?
- Nếu có vi phạm thì bị pháp luật xử lý như thế nào?
Khánh Linh (Q.3, TP. HCM)
Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu mà đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Ca khúc do bạn sáng tác là một tác phẩm âm nhạc (vì được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn) thuộc đối tượng quyền tác giả được bảo hộ. Bạn có quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả… Bên cạnh đó, bạn cũng có các quyền tài sản bao gồm làm tác phẩm phái sinh;truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác... Quyền sở hữu trí tuệ của bạn đối với ca khúc do bạn sáng tác phát sinh kể từ khi ca khúc của bạn ra đời, dù ca khúc này đã hoặc chưa công bố đến công chúng.
Một người nếu lấy toàn bộ lời bài hát của bạn, chỉnh sửa lại phần nhạc mà không xin phép ý kiến của bạn là hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 6 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Bạn có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho bạn, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm. Cụ thể:
Về xử lý hành chính
Theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi trên
Trong trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 170a, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng quy định hành vi sao chép tác phẩm không được phép của chủ thể quyền tác giả mà xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì phạm tội xâm phạm quyền tác giả và bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.