Thiếu minh bạch trong phương pháp, nhiều kết quả nghiên cứu bị hủy
Ngày 21.6, tạp chí bình duyệt Nghiên cứu trong lĩnh vực Tiêu hóa (Gastroenterology Research) đã chính thức rút lại bài đăng một năm trước đó với chủ đề "Mối liên hệ giữa hút thuốc lá điếu và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) với bệnh gan mạn tính". Nghiên cứu nằm trong chương trình Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia, chấp bút bởi 13 tác giả.
Việc rút bài báo được tạp chí thông báo ngắn gọn: "Có một số quan ngại về phương pháp luận của nghiên cứu, quá trình xử lý dữ liệu nguồn, bao gồm phân tích thống kê và độ tin cậy của các kết luận nghiên cứu".
Nói về nguyên nhân rút bài, Tổng biên tập Robert Wong, giáo sư lâm sàng tại Khoa Y thuộc Đại học Stanford cho biết, sau một năm từ lúc nhận các ý kiến phản đối nghiên cứu, 13 tác giả trên vẫn không đưa ra được lập luận phản biện nào.
Giới phê bình cho rằng trường hợp rút bài này không phải là lần đầu. Trước đây, một số nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cũng phóng đại tác hại của TLĐT.
Cụ thể, ngày 18.2.2020, Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA - Journal of the American Heart Association) cũng từng rút lại một nghiên cứu về mối liên hệ giữa TLĐT với các cơn đau tim. Quyết định này được đưa ra chỉ một năm sau ngày GS Stanton Glantz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá của Đại học UCSF cùng các cộng sự công bố nghiên cứu kết luận "sử dụng TLĐT làm tăng khả năng bị đau tim". Nghiên cứu này được giới truyền thông và công chúng Hoa Kỳ rất chú ý vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu đã phạm sai lầm khi đa số các ca nhồi máu cơ tim được phân tích đều đã mắc bệnh trước khi TLĐT có mặt rộng rãi. Điều này khiến Ban Biên tập JAHA quan ngại rằng "kết luận nghiên cứu không đáng tin cậy". Hành động của JAHA đã gây chấn động bởi tỷ lệ thu hồi các công trình nghiên cứu là cực kỳ thấp, chỉ dưới 2,5%. Điều này có nghĩa, vẫn chưa có cơ sở nào chứng minh tác động tiêu cực của TLĐT lên tim mạch là bằng hoặc cao hơn so với thuốc lá điếu.
Đây chỉ là hai trong số nhiều nghiên cứu về tác hại của thuốc lá điện tử đã bị hủy. Giới chuyên gia còn lo ngại, rất khó để đảm bảo một nghiên cứu sai sót không bị sử dụng tiếp tục trong các bài nghiên cứu khác hoặc trên báo chí, cho dù đã bị hủy.
Lãng phí cơ hội cải thiện sức khỏe cộng đồng
Vấn đề sai lệch trong nghiên cứu không chỉ xảy ra ở TLĐT mà còn diễn ra đối với thuốc lá ngậm snus có nguồn gốc từ Thụy Điển.
Vào năm 1985, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của snus dấy lên khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đánh giá rủi ro sức khỏe của snus.
Nhiều năm sau, các nghiên cứu đã chỉ ra, không có sự gia tăng bệnh ung thư miệng nào liên quan đến sản phẩm snus Thụy Điển. Ngược lại, sản phẩm này được chứng minh là có chứa ít hàm lượng chất gây ung thư nitrosamines hơn các sản phẩm thuốc lá khác, chỉ ở mức 2,1 ppm.
Mặc dù đã được cải chính, nhưng các đánh giá sai lệch về sản phẩm này trước đó vẫn khiến các chính phủ dè dặt với snus. Kết quả là ngoài Thụy Điển, Na Uy, kể từ năm 1992 đến nay, nhiều quốc gia ở châu Âu vẫn chưa cho phép loại sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu này.
Trong khi đó, theo nghiên cứu, nhờ có nhiều nam giới hút thuốc chuyển sang sử dụng thuốc lá ngậm snus, tỷ lệ tử vong do thuốc lá ở nam giới Thụy Điển là thấp nhất trong toàn Liên minh châu Âu (EU), chỉ có 72 ca trên 100.000 người vào năm 2019.
Ủy ban Snus Thụy Điển ước tính, nếu các quốc gia khác áp dụng phương pháp tiếp cận giảm tác hại như Thụy Điển, mỗi năm EU có thể tránh được khoảng 355.000 ca tử vong do thuốc lá ở nam giới trên 30 tuổi.
Thuốc lá mới gồm TLĐT, thuốc lá ngậm, thuốc lá làm nóng… dù đã ra đời hơn hai thập kỷ nhưng vẫn đang đón nhận nhiều quan điểm đa chiều trên toàn cầu. Các bên ủng hộ lẫn bên phản đối vẫn không ngừng cung cấp các nghiên cứu toàn diện cho các chính phủ tham khảo.
Tuy nhiên, trường hợp của Thụy Điển, Nhật, Anh là bằng chứng cho thấy, các sản phẩm không khói thuốc có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá và các bệnh gây ra bởi khói thuốc nhanh hơn so với việc chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiện nay.
Bình luận (0)