Đều đặn mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, Phạm Trần Thiên Phúc (22 tuổi), ngụ tại KP.6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đều đặt 3 lần báo thức để thức dậy vào sáng hôm sau. Mỗi báo thức được anh chàng đặt cách nhau tầm 5 - 10 phút, lần báo thức thứ nhất vào lúc 7 giờ sáng. Tuy nhiên, Phúc luôn thức dậy và rời khỏi giường sau khi nghe đến lần báo thức cuối cùng. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều người trẻ.
Chia sẻ về nguyên nhân, Phúc cho biết: "Từ khi bắt đầu đi làm thì tình trạng này nhiều hơn, vì thiếu ngủ nên mình mới phải ngủ gắng như vậy. Một lần, hai lần và dần dần nó đã trở thành thói quen của mình mỗi buổi sáng".
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN, Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học VN, cho biết Giáo sư Matthew Walker là nhà thần kinh học, Giám đốc Trung tâm khoa học về giấc ngủ tại Trường ĐH California (Mỹ), đã chứng minh thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo thức lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh. Chuông báo thức reo với âm lượng to lúc đang ngủ sâu, cơ thể sẽ xuất hiện hàng loạt cảm giác tiêu cực như tim đập nhanh, giật mình, hốt hoảng. Đồng thời, chuỗi hành động "reo - hẹn" cứ ít phút được lặp lại đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ rơi vào trạng thái "đánh thức - ngủ" liên tục. Trạng thái này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tổn thương chức năng sinh học của bộ não.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn cũng cho biết, theo nghiên cứu của Trường ĐH Harvard (Mỹ), việc đặt báo thức nhiều lần cách 5 phút có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể sẽ tự động tiết ra hormone adenosine giúp ngăn chặn sự kích thích và thúc đẩy giấc ngủ, khiến tăng cảm giác "thèm" ngủ, hormone này có thể khiến suy nhược hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy khi đặt điện thoại sát bên người suốt một đêm dài, sóng bức xạ từ điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rụng tóc..., về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn kết luận, thêm vài phút cho mỗi lần báo thức sẽ không giúp tỉnh táo hơn; mà thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, uể oải, khó tập trung khi thức giấc.
Một số mẹo để khắc phục
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn gợi ý một số mẹo. Đầu tiên là đi ngủ sớm, ngủ đủ để có thể tự thức dậy đúng giờ. Kế đến là thay đổi chế độ ăn uống cân bằng, uống đủ nước, tránh ăn đêm và ăn quá no trước khi đi ngủ. Không tập thể dục vào ban đêm gần giờ ngủ. Đảm bảo chất lượng phòng ngủ, không gian phòng ngủ nên tối, yên tĩnh và thư giãn. Bên cạnh đó, có thể thử một loại báo thức mới và nên đặt đồng hồ hoặc điện thoại xa tầm tay.
Sử dụng sức mạnh của ánh sáng cũng là một giải pháp. Theo đó, nên mở rèm cửa khi ngủ, nằm ngủ vị trí có cửa sổ hoặc một chiếc đồng hồ báo thức trị liệu bằng ánh sáng để đánh thức bạn.
Trong trường hợp nếu mắc một bệnh lý nào đó khiến việc ngủ hoặc thức giấc trở nên khó khăn, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Bình luận (0)