Cụ thể, TP.HCM và Hà Nội có tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông ở mức tương đương các thành phố đang phát triển trong khi thấp hơn nhiều các đô thị hiện đại trong khu vực. Áp lực lên hạ tầng giao thông đang tăng lên khi thu nhập bình quân đầu người bước vào ngưỡng 3.000 - 10.000 USD/người/năm, theo quy luật phát triển đây là giai đoạn có tỷ lệ gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân. Doanh số bán xe ô tô du lịch tăng trung bình 35%/năm trong 5 năm gần đây. Dự báo số lượng xe du lịch sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025 tại TP.HCM và Hà Nội. Việc gia tăng số lượng xe ô tô cá nhân đồng thời tạo áp lực về chỗ đỗ xe tại chỗ làm việc. Mức phí đỗ xe khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội đang ở mức cao hơn nhiều so với các thành phố như Bangkok, Manila hay Jakarta. Mặc dù vậy nhu cầu chỗ đỗ xe sẽ khó được đáp ứng khi tỷ suất sinh lợi của bãi đỗ xe đang thấp hơn so với các hạng mục phát triển khác, ví dụ văn phòng cho thuê.
Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân ngày càng trở nên khó khăn khiến phương tiện giao thông công cộng trở thành sự lựa chọn trong tương lai. TP.HCM và Hà Nội đang có tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng thấp nhất trong khu vực, mức độ ô nhiễm không khí cao. Hai thành phố đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển đường sắt đô thị, tương tự như trường hợp của Bangkok trong thập niên 1990.
Bình luận (0)