Khoảng 16h chiều, xe về đến Phan Thiết. Trời vẫn nắng đẹp, không hề có dấu hiệu gì của bão! Nhưng nghĩ đến lời chỉ đạo của lãnh đạo báo Thanh Niên: “Phải bám sát địa bàn, theo dõi đường đi của bão, không được bỏ sót thông tin”. Và đặc biệt là lời nhắn của đồng nghiệp Đặng Ngọc Khoa ở Đà Nẵng: “Lúc bão sắp đến, trời quang đãng đến lạ thường, nhưng coi chừng chạy không kịp!”.
Xuống xe, tôi chạy thẳng đến Ban phòng chống lụt bão của tỉnh. Thông tin mới nhất từ cơ quan này là bão Durian sẽ đổ bộ vào Phan Thiết. Tôi viết vội một tin nhanh với đầy đủ chi tiết e-mail về tòa soạn. Đúng 17h, tin từ Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh: Trung tâm chỉ huy bão được đặt tại Văn phòng UBND tỉnh. Lúc này không khí chống bão ở Phan Thiết hầu như nóng hẳn lên bởi loa phóng thanh vang khắp thành phố.
Tới trung tâm chỉ huy, ngoài những vị được cử đi xuống khu dân cư giúp dân, tất cả đã có mặt đầy đủ. Cả 11 vị trong Ban thường vụ Tỉnh ủy không thiếu một người. 21h ngày 4/12, trời bắt đầu có mưa nhẹ, nhưng vẫn không có gió. Phóng viên Thanh Niên là người duy nhất có mặt trong cuộc họp ở Bộ chỉ huy chống bão của tỉnh với tư cách là người đưa tin. Mọi người đều gọi hoặc nghe điện thoại để nắm thông tin từ khắp nơi trong tỉnh. Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Tấn Thành liên tục gọi cho Chủ tịch huyện đảo Phú Quý. Ông lo lắng khi được tin tâm bão số 9 quét qua hòn đảo này. Khoảng 21h30, Chủ tịch tỉnh thông báo: Bão Durian đã "bẻ gãy" hàng chục trụ điện, tốc mái hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm hàng trăm chiếc tàu trên đảo. Nhân dân trên hòn “đảo ngọc” đang chống chọi từng phút từng giây với cơn bão lớn mà suốt 40 năm qua họ chưa từng gặp.
Khoảng 22h, Chủ tịch tỉnh lại thông báo “đã không thể liên lạc được với đảo”. Mọi người đứng ngồi không yên. Chủ tịch tỉnh lệnh cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: “Bằng mọi cách phải liên lạc được ngay với đảo”, nhưng cả nửa tiếng sau, mọi thông tin về hòn đảo với trên 20 nghìn dân, cách đất liền đến 56 hải lý vẫn bặt vô âm tín. Khoảng 23h30, tôi bấm mấy kiểu ảnh trong cuộc họp ở bộ chỉ huy, chạy về văn phòng báo Thanh Niên truyền ngay tin, ảnh tình hình thiệt hại về tòa soạn. Khoảng 1h ngày 5/12, Thanh Niên Online là tờ báo đầu tiên và duy nhất có thông tin khá đầy đủ về tình hình thiệt hại của Bình Thuận ở thời điểm đó.
Đại biểu Quốc hội Trương Quang Hai và PV Thanh Niên trong khoang máy bay MI 171- VN SAR04 bay ra đảo Phú Quí |
Sáng sớm, mọi người đã có mặt đông đủ tại Bộ chỉ huy chống bão để nghe Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thông báo lệnh của Thủ tướng: “Bằng mọi giá không được để nhân dân trên đảo đói rét”. Nhiều phóng viên báo đài khác ở TP.HCM từ sáng sớm cũng có mặt. Tất cả đều đổ dồn về huyện đảo Phú Quý mà đêm trước đó bão Durian đã oanh tạc tan tác hòn đảo giàu có và xinh đẹp của Bình Thuận.
Thiệt hại do bão gây ra tổn thất rất lớn như khoảng 1.700 căn nhà bị tốc mái, đổ sập. Hơn 700 chiếc tàu thuyền bị xé nát hoặc đánh chìm. Hàng nghìn người dân trên đảo trong cảnh màn trời chiếu đất. Cả hòn đảo chỉ đủ lương thực trong vòng 10 ngày nữa. Kế hoạch tiếp tế ra đảo được vạch ra. Nhưng ra đảo bằng phương tiện gì trong khi yêu cầu là khẩn cấp. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí quyết định xin Trung ương cho máy bay trực thăng để ra đảo.
Trong chiếc SAR04 cũ kỹ của Nga, dù có máy lạnh nhưng do phải mặc áo phao nên nóng kinh khủng. Sau 45 phút bay, anh Phạm Minh Phép, Bí thư huyện đảo ngồi trong máy bay reo lên "Nhìn thấy đảo rồi!". Cánh phóng viên như sực tỉnh. Mỗi người “chiếm giữ” một ô cửa kính máy bay để ghi hình. Chỉ có phóng viên Quang Phương (Đài Tiếng nói Việt Nam) là không cần ảnh nên ngồi im... ngắm nhìn. Chiếc trực thăng chao lượn một vòng quanh đảo. Chúng tôi cũng được dịp chụp ảnh đảo từ trên cao. Hình ảnh những chiếc tàu vỡ tan nát, trôi lềnh bềnh trên biển, đè lên nhau ngổn ngang. Tất cả mọi người đều lặng đi vì chứng kiến sự mất mát quá lớn của đồng bào.
Máy bay hạ cánh. Hai chiếc xe chờ sẵn đưa chúng tôi tiến thẳng đến cửa biển Lạch Chùa, nơi thiệt hại nặng nề nhất trên đảo. Tôi bám sát anh Hà Sông Lô - Phó Bí thư Huyện ủy để lấy tin. Vì Bí thư Huyện ủy đang học ở đất liền, nên anh Lô là tổng chỉ huy của đảo trong suốt đêm trước. Cảm thấy chưa đủ thông tin, tôi quyết định nhờ một người bạn ở đảo lấy xe máy chở đến khắp các địa điểm khác trên đảo như trường mẫu giáo, tiểu học; Trung tâm văn hóa huyện, bưu điện, bệnh viện để chụp ảnh và ghi chép thêm về thiệt hại.
Gần 14h chiều, khi chân bước đi không vững mới biết là từ đêm qua tới giờ tôi chưa bỏ gì vào bụng. Anh bạn chở thẳng đến nhà khách huyện ủy ăn cơm. Do đường truyền internet trên đảo đã bị hỏng, nhưng điện thoại và máy fax thì vẫn sử dụng được nên tôi sử dụng các phương tiện này để đưa tin về tòa soạn. 16h chiều, chiếc trực thăng lại đưa chúng tôi vượt biển trở về đất liền. Lúc này tin đã có trên Thanh Niên Online nhưng chưa có ảnh. Khi về tới đất liền tôi lại tiếp tục gửi ảnh và bổ sung tin tức cho số báo kế tiếp. Hai ngày trực chiến để đưa tin về bão Durian và lần đầu tiên được tác nghiệp trên máy bay, với tôi đã học được khá nhiều điều bổ ích và thú vị.
Quế Hà
Bình luận (0)