Tạc những cây cầu lên đĩa đá

02/09/2016 20:00 GMT+7

Đĩa đá ngọc tạc hình những cây cầu độc đáo của TP.Đà Nẵng nằm gọn gàng trong ba lô của du khách rồi từ đây đi khắp mọi miền đất nước...

Người làm nên những tác phẩm này là ông Mai Thanh Thiện (41 tuổi), một thợ điêu khắc đá nổi tiếng của làng nghề đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng). “Điêu khắc đá vốn là nghề cha truyền con nối của gia đình nên năm lên 18 tuổi, tôi đã là một người thợ lành nghề. Hàng chục năm gắn bó với búa với đục, tôi không nhớ mình đã tạc ra bao nhiều sản phẩm để đưa ra thị trường. Chỉ biết đĩa đá ngọc tạc hình những cây cầu của thành phố là những tác phẩm cho tôi nhiều cảm xúc nhất”, ông Thiện mở đầu câu chuyện.
Cũng như nhiều cơ sở điêu khắc đá khác trong làng, thường ngày, ông Thiện làm những mặt hàng mang tính phổ thông để dễ tiêu thụ. Nhưng vốn sẵn máu nghệ sĩ, ông chưa khi nào nguôi suy nghĩ phá vỡ lối mòn để tạo ra một sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Thời điểm từ năm 2000 - 2003, ông là người đầu tiên trong làng tạc đồ lưu niệm trên đá thạch anh dùng cho trang trí nội thất đã khiến nhiều người ngạc nhiên về độ tinh xảo cũng như mức độ đầu tư. Tuy nhiên, vì lý do đây là loại đá bán quý, giá thành cao nên kén người mua. Về sau, ông Thiện không còn mặn mà lắm với chất liệu này. “Năm 2013, tôi dành hết tâm sức để lên bản thảo cho một sản phẩm vừa mang nét đặc trưng của làng đá vừa chất chứa hình ảnh biểu trưng của Đà Nẵng. Và đĩa đá ngọc khắc những cây cầu của thành phố ra đời từ đó”, ông Thiện kể.
Lần này, ông không dùng đá thạch anh nữa mà dùng đá ngọc nhập từ Pakistan nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành mà vẫn đảm bảo độ thẩm mỹ. Trên mỗi đĩa ngọc, phần nổi cao nhất là hình ảnh của những chiếc cầu: Thuận Phước, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, sông Hàn. Hình nền là 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chỉ cần nhìn vào đĩa đá ngọc, ai cũng có thể hình dung đó là phong cảnh của “thành phố đáng sống” nên theo ông Thiện, sản phẩm này không những mang ý nghĩa lưu niệm cao mà còn có tính quảng bá hình ảnh TP. Với phương châm “gọn, nhẹ, hợp túi tiền”, ông Thiện thường chọn đĩa đá nặng từ 0,5 - 3 kg, bán với giá từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Khi xem những sản phẩm này du khách trong nước lẫn quốc tế rất thích thú. “Tôi đã khắc phục được nhược điểm mặt hàng đá, đó là trọng lượng. Khi người ta không ngại nữa sẽ sẵn sàng móc hầu bao để mua và mang lên các chuyến bay”, ông Thiện cho biết.
Thời gian đầu, ông Thiện lãi không nhiều vì gia công nhỏ lẻ, tốn nhiều thời gian. Ông cho biết, để có một đĩa đá hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn đục đẽo, mài dũa nên có khi tốn mất 1 ngày rưỡi. Trong khi đó, mỗi ngày ông phải trả công 500.000 đồng/thợ nên tiền lãi thu về trên một sản phẩm rất ít. Để nâng hiệu suất công việc, ông đã làm khuôn rập để sản xuất hàng loạt. Áp dụng cách này, hiện trên mỗi sản phẩm ông thu lãi từ 50.000 - 300.000 đồng. Cũng theo ông Thiện, nhờ nhỏ, nhẹ mà ông đã tận dụng được nguyên liệu đá rẻo để tạc đĩa hoặc tạc theo rẻo tự nhiên. Do vậy, có nhiều sản phẩm ông thu lãi khá cao. Mới đây, ông cùng một số nghệ nhân làng đá gửi sản phẩm dự thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP.Đà Nẵng năm 2016. Và những cây cầu trên đĩa đá ngọc của ông đã đại diện cho làng đá nhận giải thưởng này.
Lấy nghề đá nuôi đam mê chơi bonsai
Không chỉ giỏi chế tác đá, ông Mai Thanh Thiện còn là một nghệ nhân chơi bonsai có tiếng tại địa phương. Ông tâm sự, để nuôi dưỡng niềm đam mê, ông luôn dành một khoản thu nhập từ nghề điêu khắc đá để đầu tư mua cây, ươm giống. “Những khoản dư ra, thay vì đi mua vàng để cất thì tôi đầu tư vào cây cảnh vừa vui mà cũng làm của để dành”, ông Thiện nói và khoe ông mới bán được một cây cảnh trị giá 100 triệu đồng. Ngoài công việc làm đá, ông còn nhận tạo tác sân vườn cho những công trình khách sạn, nhà hàng tại các địa phương lân cận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.