Tác phẩm 'Bố tôi được kết nạp Đoàn' đoạt giải A

18/03/2021 07:02 GMT+7

Cuộc thi viết Ký ức một thời thanh xuân sôi nổi bắt đầu từ 15.1 - 1.3, nhằm tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2021).

Ban tổ chức cuộc thi Ký ức một thời thanh xuân sôi nổi đã nhận được 1.532 tác phẩm của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước. Trải qua 2 vòng chấm: Vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chấm và chọn 20 tác phẩm; Vòng chung khảo đã chọn 13 tác phẩm đạt giải (gồm 1 giải A, 2 giải B và 10 giải khuyến khích).
Tác phẩm Bố tôi được kết nạp Đoàn của tác giả Đoàn Đại Dương (40 Hồ Biểu Chánh, P.4, Q.8, TP.HCM) đoạt giải A. Tác giả đã kể lại câu chuyện người thật, việc thật đầy xúc động về những khó khăn, gian khổ mà bố mình ở thời thanh xuân đã vượt qua, để được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tác giả Đoàn Đại Dương cho biết năm 20 tuổi, bố tình nguyện đăng ký vào lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM. Sau thời gian phấn đấu, bố trở thành Tiểu đội trưởng thuộc Tổng đội 4 TNXP, đóng quân ở Củ Chi...
Tác giả kể lại bố của mình được Đoàn ủy Tổng đội 4 TNXP ký quyết định kết nạp Đoàn ngày 2.9.1978. Cùng lúc, Ban Chỉ huy Tổng đội 4 TNXP thăng chức cho bố từ tiểu đội trưởng lên đại đội phó và điều đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới. Thế nhưng, theo nguyên tắc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thời đó, chi đoàn (nơi giới thiệu kết nạp Đoàn cho bố) phải tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới trong vòng 10 ngày, kể từ khi có quyết định kết nạp. “Bố đang công tác ở Củ Chi, trong khi đại đội cũ của bố đã chuyển xuống Đồng Tháp Mười (địa phận tỉnh Long An). Thế là hành trình đi tìm đại đội cũ đầy khó khăn. Bố phải lặn lội xuống Đồng Tháp Mười để chi đoàn làm lễ kết nạp. Vậy là bố tôi đi xe đò từ Củ Chi vào Chợ Lớn, tiếp tục bắt xe đò xuống H.Thủ Thừa (Long An), từ đó đi xuồng khách vào Đồng Tháp Mười…”, tác giả viết.
“Và rồi tối rằm Trung thu 1978, dưới ánh trăng lung linh cùng ánh đuốc bập bùng, chi đoàn làm lễ kết nạp bố vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nghi thức trang trọng nhất có thể. Mừng bố được vào Đoàn và “rửa lon” đại đội phó, chi đoàn tổ chức liên hoan với thực đơn gồm 2 món: kẹo đậu phộng và trà cám đen… Bố tôi tâm sự: Mỗi thời mỗi khác, câu chuyện vào Đoàn của bố có thể các con không tin, nhưng đó là sự thật về một thời TNXP đẹp nhất mà thời thanh xuân bố từng trải qua với những kỷ niệm khó phai…”.
Hay như tác phẩm 40 năm ra đời bài hát: Hát trên công trình tuổi trẻ của tác giả Trần Tấn Ngô đạt giải B.
Tác giả kể lại thời khắc sáng tác bài hát trên và những kỷ niệm thật sôi nổi, khó quên của thời TNXP. Tác giả viết: “Bài hát Hát trên công trình tuổi trẻ in trên giấy ố vàng, quay bằng rônêô, với giai điệu trầm hùng, đầy khí chất tuổi trẻ do tôi sáng tác ngay trên công trường tuyến phòng thủ ở Hóc Môn năm 1979 cách đây 40 năm. Bản nhạc đã gợi nên kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm cán bộ Đoàn của tôi”.
Theo tác giả, thời đó bài hát này như thúc giục khí thế thanh niên sôi nổi lên đường bảo vệ Tổ quốc: Ơi thanh xuân ta ơi, mau sẵn sàng đáp lời Đảng gọi/Đi bất cứ nơi đâu dù hiểm nguy gian khó/Làm bất cứ việc gì cho Tổ quốc mến yêu”.
Tác phẩm Bố tôi được kết nạp Đoàn đoạt giải A1
Bài viết của tác giả cũng làm nổi bật về tình người, tình đồng đội, sự che chở, đùm bọc của bà con nhân dân đối với hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong những ngày tháng gian khó sau giải phóng đất nước. Thông qua bài viết, hình ảnh của những TNXP thời đó vô cùng lạc quan, vượt qua được tất cả khó khăn để sống, chiến đấu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Đoàn thanh niên.
Cũng là tác phẩm đoạt giải B, tác giả Nguyễn Phú Thành là nhân chứng sống của “Công trường thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” trên công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
“Tôi nhớ lại từ những ngày đầu trên công trình để triển khai xây dựng, cả nước đã huy động hàng vạn đoàn viên, thanh niên từ các vùng nông thôn miền Bắc xung phong làm việc tại công trường thủy điện Hòa Bình. Với khí thế sôi động của công trường ngày 6.10.1982, nhà nước đã quyết định công nhận công trường là “Công trường thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Đã có hơn 500 kỹ sư và trung cấp kỹ thuật vừa tốt nghiệp, 800 chuyên gia là công trình sư, kỹ sư và hàng vạn công nhân lành nghề của Liên Xô được điều động đến công trường”, tác giả nhớ lại…
Và còn nhiều bài viết kể về những ký ức thời thanh xuân sôi nổi, những kỷ niệm sâu sắc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các thời kỳ… Những câu chuyện, tấm gương, sự kiện giúp tác giả và thế hệ của tác giả giác ngộ lý tưởng cách mạng, định hướng cuộc đời, nghề nghiệp của tác giả sau này.
Từ những kỷ niệm của bản thân, bạn bè, các tác giả nói lên suy nghĩ, cảm nhận về quá trình nhận thức, phấn đấu và trưởng thành của bản thân, bạn bè và thế hệ mình, nêu cái nhìn liên hệ quá khứ, hiện tại và tương lai để thể hiện cái nhìn xuyên suốt về vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Cơ cấu giải thưởng
1 giải A: 10.000.000 đồng và giấy chứng nhận của Báo Thanh Niên
2 giải B: 5.000.000 đồng/giải và giấy chứng nhận của Báo Thanh Niên
10 giải khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải và giấy chứng nhận của Báo Thanh Niên.
Ngày trao giải cuộc thi Ký ức một thời thanh xuân sôi nổi: 23.3.2021, tại hội trường lầu 3, Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Các tác giả ở xa không tham dự được buổi trao giải, Báo Thanh Niên sẽ gửi qua bưu điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.