Đây là chương trình do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, UBND TP.Hà Nội, giao Trung tâm Phát thanh truyền hình quân đội và các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).
Hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên quy tụ
Phát biểu tại buổi họp báo, đại tá Phạm Văn Tú, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh truyền hình quân đội, cho biết chương trình chính luận nghệ thuật Cùng nhau giữ nước sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 18.11 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), có quy mô 3.000 khán giả. Đây là sự kiện cấp quốc gia, với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư và Hà Nội.
"Đây là một hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, lịch sử, giúp khán giả cả nước được trải nghiệm hành trình đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào và vinh quang của dân tộc Việt Nam", ông Tú nói.
Ông Tú cho hay, chương trình cũng là lời tri ân của những thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh anh dũng, quật cường của bao thế hệ ông cha, để cho đất nước ta "nở hoa độc lập", "kết trái tự do".
Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh truyền hình quân đội nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Giếng trước khi về tiếp quản thủ đô, khẳng định một chân lý tồn tại muôn đời của dân tộc Việt Nam: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói bất hủ của Bác được Trung tâm Phát thanh truyền hình quân đội dựa vào để làm nội dung chính cho chương trình chính luận nghệ thuật Cùng nhau giữ nước.
Chương trình sẽ quy tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên cùng với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSND Hồng Hạnh, NSND Phạm Phương Thảo, NSƯT Hoàng Tùng..., ông Tú cho biết.
9 tác phẩm gốm kể chuyện lịch sử
Là một trong những đơn vị tham gia tại chương trình Cùng nhau giữ nước, ông Vũ Đình Mạnh, Chủ tịch không gian gốm Bát Tràng, cho biết các nghệ nhân Bát Tràng đã dành nhiều năm để chuyên chở các câu chuyện lịch sử trên nghệ thuật gốm.
Tác phẩm gốm tái hiện sự kiện lịch sử Chiếu dời đô (bìa trái) và Chiến trận Bạch Đằng (bìa phải)
ẢNH: BTC
"Trong chương trình Cùng nhau giữ nước, chúng tôi đã chuẩn bị 9 tác phẩm, là 9 câu chuyện lịch sử từ thời kỳ dựng nước, giữ nước và những chiến công của dân tộc ta trong nhiều năm qua. Chúng tôi mong muốn kể những giá trị lịch sử bằng nghệ thuật gốm, qua đó mang đến sự tươi mới cho chương trình và khán giả", ông Mạnh nói.
Trong khi đó, ông Đào Đức Hiếu, nghệ nhân trà, CEO đơn vị Shan Sen Việt Nam, chia sẻ trà gắn liền với đời sống của người Việt. Khi mỗi người sinh ra và mất đi đều có trà. Trà có mặt ở mọi lúc, mọi nơi từ ma chay, cưới hỏi, từ ngày lễ đến ngày tết.
"Vì vậy, chúng tôi mang những loại trà quý, để giới thiệu với đông đảo công chúng cả nước, để thế hệ hôm nay biết rằng, giữ gìn văn hóa cũng là giữ gìn đất nước", ông Hiếu nói.
Đại tá Phạm Văn Tú cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay không phải đang quay lưng với lịch sử mà do chúng ta chưa có cách truyền tải đúng. Vì vậy, chương trình cũng có những nhà tư vấn, chuyên gia về lịch sử đồng hành. Ông hy vọng những tác phẩm gốm, trà, công nghệ 3D mapping, công nghệ âm thanh mới nhất... sẽ góp phần kể câu chuyện lịch sử đất nước sống động hơn, giúp các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn với lịch sử.
Bình luận (0)