Tác phẩm ‘nghệ thuật’ chứa 6 phần mềm độc hại nhất được bán giá 31 tỉ đồng

Thanh Tuyền
Thanh Tuyền
30/05/2019 12:43 GMT+7

Thông tin từ tổ chức National Public Radio (NPR) của Mỹ cho biết một tác phẩm 'nghệ thuật' có tên The Persistence of Chaos chứa những phần mềm độc hại nhất thế giới vừa được bán với giá 1,345 triệu USD (hơn 31 tỉ đồng).

Tác giả của tác phẩm có một không hai này là Guo O Dong - một nghệ sĩ internet, nhà phê bình văn hóa đương đại trực tuyến, đến từ Trung Quốc. Ông Guo đã tạo ra “kiệt tác” với tên gọi The Persistence of Chaos (tạm dịch: Sự dai dẳng của hỗn loạn) làm “dậy sóng” giới nghệ thuật quốc tế những ngày qua. Hôm 28.5, The Persistence of Chaos đã được “cha đẻ” bán với giá 1,345 triệu USD thông qua một trang đấu giá trực tuyến ở New York (Mỹ).

Nói về tác phẩm độc lạ này, nó đơn thuần chỉ là một chiếc máy tính xách tay Netbook 10-inch sản xuất năm 2008 và chạy hệ điều hành cũ kỹ Windows XP của hãng Microsoft. Tuy nhiên, điều đặc biệt của tác phẩm lại nằm ở bên trong chiếc máy tính lỗi thời này. Cụ thể, Guo O Dong đã cài vào đó 6 phần mềm độc hại từng là nỗi ám ảnh, mối nguy hại cho an ninh mạng thế giới. Những phần mềm có trong chiếc Netbook 10-inch này gồm: I LOVE YOU (2000), Sobig (2003), MyDoom (2004), DarkTequila (2013), BlackEnergy (2015) và nổi tiếng hơn cả là mã độc WannaCry từng “hoành hành” năm 2017.

Trong số những phần mềm độc hại xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật nói trên, WannaCry là cái tên được biết đến nhiều hơn cả. Theo Europol, tại thời điểm xuất hiện hồi năm 2017, mã độc này đã có mặt ở ít nhất 150 quốc gia ẢNH: AFP

Sở dĩ tác phẩm này được mua với giá “trên trời” là bởi nó là biểu tượng mạnh mẽ nhưng cũng đầy khiếp đảm về mối đe dọa khổng lồ của một chiếc máy tính đơn giản có thể gây ra cho toàn cầu. Ông Guo cũng cho biết 6 loại Trojan (phần mềm gián điệp), worm (sâu máy tính) cùng mã độc trên đã gây thiệt hại ít nhất là 95 tỉ USD khắp thế giới.

Trước mối đe dọa tiềm tàng của The Persistence of Chaos, trang đấu giá trực tuyến thuộc tổ chức an ninh mạng Deep Instinct ở New York (Mỹ) phải nhiều lần nhấn mạnh rằng tác phẩm này chỉ dành cho mục đích nghiên cứu đơn thuần. Những ai tham gia phiên đấu giá phải cam kết không phổ biến bất kỳ phần mềm độc hại nào từ chiếc máy tính. “Xin nhớ rằng đây là những phần mềm rất nguy hiểm”, đơn vị này tiếp tục lưu ý những người có hứng thú với nó.

Sau khi tìm ra được chủ nhân cho tác phẩm với với giá 1,345 triệu USD, trang đấu giá trên đã không tiết lộ bất cứ thông tin nào về người mua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.