Tác quyền sách tham khảo thiếu minh bạch

02/10/2014 06:00 GMT+7

Không chỉ riêng tiền tác quyền từ sách giáo khoa bị phớt lờ mà tiền tác quyền từ các sách tham khảo cũng khó có thể được kiểm soát kỹ lưỡng.

 Tác quyền sách tham khảo thiếu minh bạch
Không chỉ sách giáo khoa, cả sách tham khảo cũng lơ tác quyền - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

In sách ào ào

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh sách nội địa Công ty phát hành sách FAHASA, cho biết mỗi năm số lượng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo (STK) do FAHASA tiêu thụ đạt doanh thu tương đương nhau, khoảng 50 tỉ đồng mỗi loại và không ngừng tăng trưởng hằng năm.

Nhiều đơn vị làm sách từng phải thèm thuồng khi biết được số lượng bản in STK mỗi lần thường từ 5.000 - 10.000 bản in/tựa sách. Điều đáng nói là các đơn vị xuất bản làm STK ở nước ta ngoại trừ Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục là của nhà nước ra, còn lại đều là công ty xuất bản tư nhân và chỉ xấp xỉ trên dưới 10 đơn vị như: Phan Việt, Sách Việt, Đức Trí, Toàn Phúc, Sao Mai… Mỗi năm, một đơn vị tung ra thị trường trung bình trên 1.000 đầu STK (gồm cả sách mới và sách tái bản) với số lượng in không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi hỏi tới vấn đề tác quyền trong STK, phần lớn các đơn vị làm STK đều “né” không trả lời.

Nhà văn, nhà thơ không hề biết

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông từng phát hiện truyện của mình trong STK tiếng Việt lớp 4 từ mấy năm trước, tuy nhiên đơn vị làm sách không hề hỏi ý kiến xin phép ông và ông cũng chưa từng nhận được bất kỳ đồng nhuận bút nào. “Quá nhiều STK nên tôi không thể kiểm tra hết có sách nào sử dụng tác phẩm của tôi hay không. Nhưng tôi cho rằng nếu đã trích đoạn hoặc sử dụng nguyên tác phẩm của bất kỳ nhà văn nào đưa vào sách nhằm mục đích kinh doanh thì đều cần trả tác quyền cho người sáng tác”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.

 

Quá nhiều sách tham khảo tham  nên tôi không thể kiểm tra hết có sách nào sử dụng tác phẩm của tôi hay không. Nhưng tôi cho rằng nếu đã trích đoạn hoặc sử dụng nguyên tác phẩm của bất kỳ nhà văn nào đưa vào sách nhằm mục đích kinh doanh thì đều cần trả tác quyền cho người sáng tác

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Trên thực tế, rất nhiều NXB không liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng đang phát hành nhiều loại STK khác nhau mà không được kiểm soát chặt chẽ về in ấn, phát hành... Nếu như SGK được thẩm định tới hai vòng độc lập, được kiểm soát chặt chẽ về giá bán thì STK gần như bị... thả nổi.

Sử dụng thì phải trả tiền !

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM (trực thuộc Bộ VH-TT-DL), nói rõ trong luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định liên quan không có quy định SGK được miễn tiền tác quyền. Do đó, NXB nếu sử dụng tác phẩm để in sách buộc phải trả tiền tác quyền cho người sở hữu tác phẩm, việc trích dẫn tác phẩm văn học trong STK nói riêng và SGK nói chung cũng đều phải trả tiền tác quyền.

Tuy nhiên ông Quý cho rằng, đến thời điểm này, việc chi trả tiền tác quyền vẫn chưa có quy định cụ thể, và lâu nay việc này được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định 61/2002 về chế độ nhuận bút. Phương thức tính trả theo tỷ lệ phần trăm định trong khung nhuận bút x (nhân) với giá bán lẻ xuất bản phẩm và x (nhân) với số lượng in xuất bản phẩm. Mặc dù quy định như thế nhưng trên thực tế, tiền bản quyền được trả dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa các bên có liên quan vì đây là giao dịch dân sự.

“Thực ra, khi làm một cuốn sách, NXB cũng đã tính toán rất cụ thể về khoản tiền bản quyền và các chi phí khác. Vấn đề là sau đó phía có trách nhiệm có nghiêm túc thực hiện chi trả tiền bản quyền hay không mà thôi”, ông Quý nói.

“Đó là ý thức tôn trọng giá trị sáng tạo”

Nhà thơ Đỗ Hàn, Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học (Hội Nhà văn VN) nói thẳng: “Sau SGK, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm đăng trong STK, sách hướng dẫn cho giáo viên... Chúng tôi sẽ làm từng bước một. NXB nói trả 100.000 hay 200.000 đồng cho các tác giả, thì phải căn cứ vào bảng tính theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP, quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để xem xét. Tôi nghĩ vấn đề không phải ít hay nhiều mà là khi sử dụng tác phẩm phải xin phép tác giả, đó là ý thức tôn trọng giá trị sáng tạo. Nhỡ bây giờ sử dụng rồi mà tác giả không cho phép thì sao? Hơn nữa khi đưa tác phẩm vào trong sách, có cắt, sửa thế nào cũng phải hỏi xem có đúng ý nghĩa, ý đồ sáng tác của tác giả hay không. Một xã hội tôn trọng pháp luật, tôn trọng tác quyền thì mới là xã hội văn minh”.

 Thanh Niên

>> Sách giáo khoa phớt lờ tác quyền
>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Cách làm cũ, khó ra kết quả mới
>> Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Từ hơn 30.000 tỉ xuống gần 800 tỉ đồng
>> Gần 800 tỉ đồng đổi mới sách giáo khoa
>> Trình lại đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.