Tắc trách gây chết người: Sao không khởi tố?

19/05/2011 00:30 GMT+7

Thời gian gần đây, có nhiều vụ chết người thương tâm do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị quản lý, thi công công trình công cộng ở TP.HCM. Song đến nay vẫn chưa có vụ nào được khởi tố, gây bức xúc trong dư luận.

Hiểm nguy rình rập

Ngày 13.5, cháu Trần Định (8 tuổi, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Võ Văn Vân) trên đường đi thi về nhà, trượt chân ngã xuống hố sâu, mắc kẹt vào cống hộp và chết ngạt. Hố sâu này nằm trước cổng trường nơi cháu Định học, là hạ nguồn của dòng kênh T15 - lằn ranh giữa xã Phạm Văn Hai và xã Vĩnh Lộc B. Phía trên hố là mặt đường vừa san lấp không có rào chắn. Hố sâu có hai miệng cống hộp, cống vừa xây dựng xong để thoát nước trong khu tái định cư Vĩnh Lộc. Bà Trương Thị Kim Cương, mẹ cháu Định, tức tưởi: nhiều lần họp phụ huynh, thấy cống nguy hiểm nên đã có ý kiến đơn vị thi công nên làm rào chắn nhưng vẫn không thấy ai làm và con bà trở thành nạn nhân.

Chuyện dây cáp viễn thông lòng thòng gây án mạng rõ ràng thấy trách nhiệm của hai đơn vị: điện lực và viễn thông... Còn chuyện hố cống thì rõ ràng là trách nhiệm của đơn vị thi công

Luật sư Nguyễn Thị Dạ Thảo

Trước đó, tối 19.4, ông Lý Văn (83 tuổi, ngụ P.14, Q.8) đạp xe đến ngã tư Trần Phú - Nguyễn Tri Phương (Q.5) thì bị dây cáp điện thoại thòng xuống đường cuốn vào bánh xe, kéo ông té ngã, sau đó tử vong.

Việc người dân chết hoặc bị thương vì tắc trách của đơn vị thi công hay quản lý các công trình công cộng như trên thời gian gần đây không là chuyện hiếm. 

Người dân thành phố vẫn chưa quên được cái chết của cô Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, quê Bình Định) hồi giữa tháng 4.2009 khi cô đi ngang qua đường u Cơ (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) bị dây điện trung thế rớt xuống trúng xe. Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định đường dây điện nói trên là do Điện lực Tân Phú quản lý và vào cuộc điều tra nhưng kết luận sau cùng là không thể xử lý hình sự.

Một cán bộ của Công an Q.Tân Phú cho biết: “Cơ quan CSĐT đã tiến hành lấy lời khai của rất nhiều người liên quan đến công tác quản lý đường dây điện. Thậm chí, cắt đoạn dây điện bị cháy đứt mang ra tận Hà Nội giám định nhưng cho thấy vị trí đứt là do sấm sét gây ra. Chính vì vậy không đủ chứng cứ để khởi tố hình sự”. Tương tự, vụ em Cồ Quốc Duy (14 tuổi, ngụ Q.5, học sinh lớp 8) bị trụ đèn chiếu sáng công cộng tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, Q.5 (Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM quản lý) rò rỉ điện gây nên cái chết thương tâm cũng không xử lý hình sự được.


Xe taxi lọt hố tử thần do thi công cẩu thả - Ảnh: Minh Nam 

Không khó quy trách nhiệm

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Án mạng xảy ra là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng mà không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý thì quá vô lý”. Giải thích lý do, một cán bộ của Công an Q.Tân Bình (xin giấu tên) phân tích: “Các vụ bị điện giật gây chết người, cơ quan CSĐT gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm chứng cứ buộc tội để xử lý hình sự. Việc giám định dây điện cũ bị đứt hay bị tác động ngoại lực làm đứt không khó nhưng quy trách nhiệm cho một cá nhân, tổ chức nào thì rất khó. Đa số các vụ việc trên là vô ý nên để chứng minh được ý thức của con người rất khó. Bởi lẽ, nhân viên kiểm tra đúng định kỳ vẫn không phát hiện ra rò rỉ điện gây chết người, làm sao xử lý?”. Theo vị cán bộ này, chỉ khi người dân đã gọi điện báo nhiều lần vị trí đó bị rò rỉ điện nhưng nhân viên đó không sửa chữa ngay, gây ra chết người thì mới dễ quy tội.

Phản bác lập luận này, luật sư Hoàng Cao Sang nói nhân viên được phân công quản lý tuyến đường này rõ ràng đã không làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra, có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính”.

Cũng theo luật sư Sang, không thể xác định pháp nhân nên không biết quy trách nhiệm cho ai mà theo quy định của luật thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự, còn hình sự thì những cá nhân được giao phụ trách tuyến đường này phải chịu.

Dưới một góc độ khác, luật sư Nguyễn Thị Dạ Thảo (Công ty luật Đại Việt - Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định hoàn toàn có thể khởi tố hình sự vụ án ngay khi xảy ra vụ án để vào cuộc điều tra, tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm thuộc về ai để tiếp tục khởi tố bị can, xử lý hình sự. “Chuyện dây cáp viễn thông lòng thòng gây án mạng rõ ràng thấy trách nhiệm của hai đơn vị: điện lực và viễn thông. Điện lực không chỉ cho thuê trụ điện mà còn có trách nhiệm kiểm tra sự an toàn, khi nhận thấy có sự cố thì phải có trách nhiệm xử lý ngay. Còn đơn vị viễn thông cũng phải thi công an toàn, thu xếp gọn gàng những dây cáp không sử dụng, kiểm tra thường xuyên. Còn chuyện hố cống thì rõ ràng là trách nhiệm của đơn vị thi công”, luật sư Thảo nói.

Luật sư Thảo cho rằng cá nhân nhân viên, cán bộ được phân công phụ trách, quản lý dây cáp trên tuyến đường này hoặc thi công tuyến đường là những người phải bị khởi tố bị can đầu tiên vì đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn sau khi điều tra nếu có liên quan đến những người khác thì khởi tố tiếp nếu chưa đủ dấu hiệu thì đình chỉ điều tra.

Đàm Huy - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.