Bộ GTVT hôm qua, 22.4, vừa có văn bản báo cáo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về việc triển khai xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trong đó có khó khăn trong việc giao dự toán kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, từ tháng 9.2018 về trước, VNR là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, được bộ này giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt để thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Sau tháng 9.2018, VNR được chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong quá trình chuyển tiếp, năm 2019, VNR vẫn được giao bố trí vốn như các năm trước.
Tuy nhiên, từ tháng 11.2020, Bộ Tài chính đã có công văn cho rằng giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR năm 2021 là không phù hợp với quy định tại luật Ngân sách.
Theo thông báo 125/TB-VPCP ngày 25.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định.
Bộ GTVT cũng cho biết, Cục Đường sắt Việt Nam đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, do VNR không thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT, không phối hợp với Cục Đường sắt để hoàn thiện dự thảo hợp đồng đặt hàng, chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp bảo trì ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt để triển khai thực hiện.
Lại chờ Chính phủ "phân xử"
Đáng chú ý, thay vì tìm cách xử lý và tìm tiếng nói chung, cả Bộ GTVT và VNR đều bảo lưu quan điểm và gửi thẳng văn bản lên Chính phủ đề nghị “phân xử”.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), ngay sau khi giao vốn, Cục Đường sắt đã 5 lần mời 20 công ty đường sắt (VNR) nắm quyền chi phối lên ký hợp đồng đặt hàng bảo trì. Song, do VNR chưa chấp thuận nên các công ty này chưa ký hợp đồng.
Trong khi đó, trong văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 12.4, Tổng công ty Đường sắt cho rằng, việc Bộ GTVT giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt thay vì giao trực tiếp cho tổng công ty đã tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, giấy phép con trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản.
Thực tế, vướng mắc lớn nhất khiến câu chuyện vốn giao cho đường sắt đang “tắc” lại là vị trí của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trước đó, năm 2020, vốn bảo trì cũng bị tắc lại không được giao sớm, cả Bộ GTVT và VNR đều có các văn bản báo cáo lên Thủ tướng.
Chỉ đến sau khi Quốc hội có nghị quyết và Chính phủ ban hành nghị quyết số 41, giao Bộ GTVT dự toán ngân sách bảo trì năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt, vướng mắc mới được tháo gỡ.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho rằng, với lần tắc vốn bảo trì thứ 2 này, nếu Chính phủ có nghị quyết như năm 2020 thì Bộ GTVT mới đầy đủ “chính danh” để giao vốn cho VNR.
Về lâu dài, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét giao lại cho Bộ GTVT 3 tổng công ty đặc thù vừa kinh doanh vừa quản lý hạ tầng là đường sắt (VNR), đường cao tốc (VEC) và cảng hàng không (ACV).
Trong văn bản kiến nghị khẩn gửi Chính phủ hôm 12.4, VNR cho biết, theo dự toán hàng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỉ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống.
20 công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.
Đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR đang bị ảnh hưởng, nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập.
Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4.2021.
|
Bình luận (0)