Minh bạch hóa và phân định rõ trách nhiệm giữa ngân sách địa phương (NSĐP) và ngân sách T.Ư là đề xuất nhận được sự đồng tình cao tại phiên góp ý về dự án luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng qua (17.4).
Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), việc lồng ghép ngân sách giữa T.Ư và địa phương đang tạo ra những bất cập. Cần phân định rạch ròi ngân sách thực hiện trên một địa phương gồm 2 bộ phận. Thứ nhất là NSĐP xuất phát từ tài nguyên, nguồn thu của địa phương do HĐND tự quyết định. Thứ hai là phần hỗ trợ của T.Ư do QH quyết định và giám sát. Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) phải làm sao để không có cơ chế xin - cho về ngân sách. “Luật phải xác định cho được phần nào tự chủ ở địa phương để HĐND quyết vấn đề của họ. HĐND quyết vấn đề Bộ Tài chính đã quyết thì HĐND bàn làm gì. Để họ tự quyết định với dân, phần đó phải minh bạch, hoàn toàn có thể làm được. Hiến pháp không cấm chuyện này”, ĐB Lịch nói.
ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho rằng hiện không có sự phân định giữa nhiệm vụ chi ngân sách T.Ư đảm bảo 100% và ngân sách địa phương đảm bảo 100%, mà tất cả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do ngân sách T.Ư và địa phương cùng tham gia đóng góp. Điều này dẫn đến không rõ ràng, không minh bạch và không rõ trách nhiệm. Cần xác định rõ phần nào ngân sách T.Ư, phần nào NSĐP chi.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì bày tỏ sự lo ngại về tình trạng sai phạm trong quản lý ngân sách, chi vượt dự toán là rất phổ biến và có nhiều khoản chi vượt hơn 2 lần. ĐB Thụ đề nghị phải thay nghị quyết về ngân sách nhà nước, về phân bổ ngân sách T.Ư bằng luật thường niên để tăng cường tính pháp lý.
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), luật Ngân sách nhà nước phải thể hiện được nguyên tắc công khai, minh bạch. Cán bộ, viên chức ở cơ quan được thụ hưởng ngân sách phải là người tham gia vào việc quyết định và giám sát việc sử dụng ngân sách. “Phải để khoản ngân sách T.Ư là máu, là thịt của địa phương, của hội đồng, cấp ủy địa phương. Đừng tạo ra một tâm trạng, tâm lý của đi xin, của không gắn bó với mình, miễn về mình là được, còn hơn là không được gì. Đó là một vấn đề rất nguy hiểm trong cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay đối với vốn T.Ư và vốn nước ngoài, vốn ODA”, ĐB Nam nêu ý kiến.
Bình luận (0)