Tái chế vải vụn vì một thế giới xanh hơn

13/07/2023 11:58 GMT+7

Sáng tạo ra các sản phẩm thủ công từ tái chế vải vụn là cách mà chị Đỗ Thị Mỹ Lợi (37 tuổi) ở Quảng Ngãi đang làm để vừa lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng, vừa tạo sinh kế cho các chị em khuyết tật.

Hạn chế rác thải ra môi trường

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là xu hướng thời trang nhanh, bên cạnh những lợi ích kinh tế thì lượng vải vụn bỏ đi cũng gây nguy hại đến môi trường. Trăn trở về vấn đề đó và với niềm yêu thích sản phẩm thủ công truyền thống, chị Đỗ Thị Mỹ Lợi đã tiếp tục cuộc hành trình đầy ý nghĩa của vải.

Tái chế vải vụn: Hành động nhỏ vì một thế giới xanh hơn - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Mỹ Lợi, Chủ nhiệm CLB tái chế "Những mảnh nhỏ diệu kỳ"

NVCC

"Các nhà may và cũng như bản thân tôi khi làm ra sản phẩm thủ công thì có một lượng vải vụn thải ra rất nhiều. Thay vì mình vứt bỏ hay đốt vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường thì chúng ta có thể tận dụng nó để làm ra các sản phẩm mà vừa có tính thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng", chị Lợi giải thích.

Với suy nghĩ đó, vào tháng 6 năm 2022, chị Lợi đã thành lập câu lạc bộ (CLB) tái chế mang tên "Những mảnh nhỏ diệu kỳ", với mục đích lan tỏa thông điệp sống xanh để bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng vải vụn trong sản xuất ngành may mặc để làm thành các sản phẩm giá trị.

Tái chế vải vụn: Hành động nhỏ vì một thế giới xanh hơn - Ảnh 2.

Những sản phẩm bắt mắt từ vải vụn của chị Lợi

NVCC

Chị Lợi chia sẻ: "Những mảnh nhỏ diệu kỳ đã nói lên tất cả những gì chúng tôi ấp ủ, cùng nhau tái chế vải vụn để không thải ra môi trường. Việc này còn giúp các nhà may phân loại rác thải, tránh gộp chung với rác thải sinh hoạt rồi đem đốt hay vứt bỏ. Từ đó, biến vải vụn - nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp hoặc ít được quan tâm thành những vật dụng dễ thương và hữu ích, tiếp tục cuộc hành trình làm đẹp đầy ý nghĩa của vải".

Những mảnh vải vụn là nguyên liệu chính để chị Lợi làm ra các sản phẩm như kẹp tóc, băng đô, túi xách, ví tiền… Những sản phẩm được thêu, may thủ công đẹp mà độc lạ đã ra đời từ những mảnh vải bỏ đi ấy.

"Tôi cập nhật các xu hướng thời trang phụ kiện và lựa chọn các dòng vải thân thiện nhất với môi trường để tận dụng triệt để số vải thừa, chủ yếu là vải vụn linen, thô và các vải không co giãn khác", chị Lợi cho biết.

Tái chế vải vụn: Hành động nhỏ vì một thế giới xanh hơn - Ảnh 3.

Các nhân công đặc biệt - những phụ nữ khuyết tật đều cảm thấy tự hào vì việc làm của mình vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo ra thu nhập

NVCC

Ý tưởng làm sản phẩm thủ công từ vải vụn của chị Lợi được Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) động viên, hỗ trợ. Chị Lợi kể, thời gian đầu khởi nghiệp, chị cũng gặp không ít khó khăn khi đại dịch bùng phát, việc thu gom vải vụn từ các xưởng, nhà may còn nhiều hạn chế; mất một khoảng thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm thủ công đáp ứng thị hiếu khách hàng.

"Tôi rất vui khi các sản phẩm thủ công tái chế từ vải vụn của mình đang được nhiều người biết đến và yêu thích. Khi các sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều thì đó là một tín hiệu đáng mừng, vì vấn đề môi trường đang được quan tâm hơn, có nhiều giải pháp để bảo vệ hơn", chị Lợi nói.

Tạo sinh kế cho người khuyết tật

Thành công lớn nhất của "Những mảnh nhỏ diệu kỳ" đến hiện tại có lẽ là ở niềm hạnh phúc của mỗi thành viên. Niềm hạnh phúc đó được thể hiện ngay ở nụ cười trên môi các cô, các chị khi say mê với công việc, vừa sáng tạo, vừa bảo vệ môi trường. Hạnh phúc còn đến từ sự quan tâm, ủng hộ của mọi người; giúp CLB có nhiều đơn đặt hàng hơn, các thành viên được mời tham gia các sự kiện để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và chia sẻ giúp các cô, các chị tự tin hòa nhập cộng đồng.

Tái chế vải vụn: Hành động nhỏ vì một thế giới xanh hơn - Ảnh 4.

Các lớp học tái chế của chị Lợi với sự tham gia hướng dẫn của các chị phụ nữ khuyết tật

NVCC

Chị Nguyễn Thị Ly Na, một thành viên khuyết tật của CLB, cho biết chị rất vui và hạnh phúc khi được gặp mọi người cũng có hoàn cảnh như chị tại CLB. "Tôi cũng có một chút tự hào về mình khi vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm việc làm để kiếm ra thu nhập. Khi làm ra các sản phẩm mà được nhiều người thích thì tôi cảm thấy rất vui", chị Na chia sẻ.

Được biết, CLB "Những mảnh nhỏ diệu kỳ" được chị Lợi thành lập có 7 thành viên, trong đó có các chị phụ nữ khuyết tật. Tại đây, các chị được hướng dẫn làm các sản phẩm thủ công miễn phí không những phục vụ nhu cầu cá nhân, cho tặng mà còn có thêm thu nhập.

Tái chế vải vụn: Hành động nhỏ vì một thế giới xanh hơn - Ảnh 5.

Các lớp học luôn thu hút nhiều người tham gia

NVC

"Kinh tế chung đang khó khăn, vải cũng đang khá mắc. Nếu mình tận dụng được nguồn vải vụn, đầu vào hầu như là không tốn, lại được hỗ trợ hướng dẫn cách làm thì các chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị em khuyết tật hoàn toàn có thể từng bước phát triển lên thành công việc kiếm ra thu nhập", chị Lợi cho biết.

Ngoài ra, chị còn mở thêm các buổi học để hướng dẫn các em nhỏ, hy vọng giúp các em phát huy sự khéo léo, tính sáng tạo và định hướng để bảo vệ môi trường. Chị cố gắng tận dụng triệt để số vải mà mình có, cố gắng học hỏi để sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, vừa có tính thẩm mỹ lại có thể ứng dụng cao.

Mong muốn lớn nhất của chị Lợi là có thể phát triển dự án quy mô lớn hơn, tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ. Đồng thời, chị cũng mong muốn tạo nên một cộng đồng yêu thích tái chế và thủ công để vải vụn thải ra môi trường không nhiều như hiện nay. Hơn hết là lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh, hướng đến thời trang tái chế, cũng như giá trị nhân văn và truyền cảm hứng sáng tạo đến với cộng đồng.

Đến nay, các sản phẩm thủ công tái chế từ vải vụn của chị Lợi được nhiều người biết đến và yêu thích, là một trong những sản phẩm bán chạy trên nhiều trang bán hàng online, đồ handmade thân thiện với môi trường trong và ngoài nước. 

Đáng chú ý, chị Lợi có khoảng 30 sản phẩm được bán trên Etsy - trang bán hàng thủ công lớn nhất thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.