101 lý do khiến tiền điện tăng vọt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/06/2020 06:43 GMT+7

Tiền điện tăng cao, đôi khi đến từ những nguyên nhân “trời ơi đất hỡi” mà không phải lúc nào người tiêu dùng và chính ngành điện đủ tỉnh táo để nhận ra.

Chỉ số tiêu thụ tăng gấp 32 lần, vẫn ra hóa đơn?

Hôm qua (25.6), thêm một hộ dân ở Hà Tĩnh lại tiếp tục phản ánh tiền điện tháng 6 của gia đình tăng cao “khủng hoảng”. Trong khi tháng 5, gia đình thanh toán 71.000 đồng thì sang tháng 6 nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 13,5 triệu đồng. Qua kiểm tra, cơ quan điện lực địa phương phát hiện đường dây sau công tơ kéo vào nhà này bị hở, dây điện dính vào mái tôn trước nhà gây ra tình trạng thất thoát điện. Trước đó, tiền điện của một hộ dân ở Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cũng bị tăng đột biến gấp... 14 lần; sau phúc tra, Công ty điện lực Hòa Vang lý giải do đường dây điện bị bong tróc vỏ, gây chập điện...
Những vụ việc số tiền điện tăng hàng chục lần nói trên, nhân viên vẫn điềm nhiên ra hóa đơn, lãnh đạo vẫn ký đầy đủ chứng tỏ cách làm việc quá vô trách nhiệm
TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo
Những trường hợp trên, lý do từ người sử dụng. Thực tế, rất nhiều hóa đơn ghi tiền điện tăng vọt mà lỗi “lơ đễnh” đến từ... nhân viên công ty điện lực. Cụ thể, trong tháng 6, một hộ dân ở H.Quế Phong (Nghệ An) nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 16 triệu đồng trong khi thực xài chỉ 501.000 đồng (cao gấp 32 lần so thực tế tiêu thụ).
Kết quả kiểm tra được Điện lực Quỳ Châu xác nhận do... sai sót trong khi nhập chỉ số công tơ. Một hộ nghèo ở H.Vân Đồn (Quảng Ninh), nhà có 3 nhân khẩu, nhận hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến gần 90 triệu đồng (tương đương xài 27.000 kWh điện) trong khi thực xài chỉ 200 kWh với số tiền 368.335 đồng. Kết quả phúc tra ra lỗi do nhân viên nhập số sai, do thiết bị đo điện từ xa bị nhiễu sóng đã cho ra kết quả không đúng... Ông Lê Minh Nghĩa (Sóc Trăng) cho biết, thường gia đình xài dưới 500 kWh/tháng.
Nay 3 tháng tăng từ 714 kWh, lên 914 kWh, rồi lên 1.042 kWh. “Khi ghi số điện, nhân viên thấy tăng liên tục, không hề báo. Ra hóa đơn thấy tiền tăng dữ quá, tôi phản ứng, họ hứa hẹn đủ đường, bảo tôi đóng tháng 3 để có cơ sở làm việc. Tôi đóng xong, hôm sau họ phát giấy bảo tôi không đóng hết là kiện ra tòa”, ông Nghĩa bức xúc.
TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo, cho rằng lý do gây thất thoát điện trong quá trình sử dụng có thể đến từ phía người sử dụng: do thiết bị chạm dây sau công tơ, do chủ nhà có phát triển thêm phụ tải (dùng thêm máy lạnh, thiết bị điện). Về phía ngành điện, nguyên nhân có thể do đồng hồ đo đếm có thể bị hỏng, người đọc chỉ số sai (như đã xảy ra liên tục tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc vừa qua) và… do lỗi hệ thống khi đọc chỉ số từ xa như trường hợp tại Quảng Ninh.

Lỗi nhà điện không nên “đóng cửa bảo nhau” mãi

Trước hàng loạt sai sót trên của ngành điện, Tổng công ty điện lực miền Trung và Tổng công ty điện lực miền Bắc đã có quyết định tạm đình chỉ công tác một số lãnh đạo điện lực cơ sở, các nhân viên ghi số sai cũng bị tạm ngưng công việc. Về hướng khắc phục, theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ngành điện tiến hành phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1 - 3 lần so với tháng trước liền kề. Kiểm định và thay thế định kỳ công tơ điện mới nếu đã đến hạn. Liên quan việc thu thập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, EVN vẫn cho rằng, việc thu thập này được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công tơ điện tử. Một số sai sót về việc ghi chỉ số thời gian qua là những sai sót cá nhân.
TS Trần Văn Bình cho rằng, không có thiết bị nào có thể sử dụng hết công suất tối đa để nói rằng các thiết bị điều hòa gây tăng điện đột biến. Chẳng hạn, máy lạnh để nhiệt độ 25 độ C thì công suất xài tối đa cũng chỉ 60 - 70%.
Thứ hai, theo quy định trong ghi chỉ số điện, sau khi thu thập dữ liệu tại các vị trí đã được cài đặt thì nhân viên kinh doanh tải dữ liệu đó vào phần mềm kinh doanh để tính giá điện cho từng hộ cá nhân. Nếu phát hiện tháng sau tăng cao hơn tháng trước 30%, nhân viên ghi số hay bộ phận kinh doanh phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để tiến hành kiểm tra đồng hồ điện. Song song đó, phải báo cho người sử dụng biết trước khi ra hóa đơn. Tuy nhiên trong thực tế, hóa đơn tháng sau ghi số tiền tăng cao hơn tháng trước bao nhiêu cũng vẫn được gửi về nhà.
Thậm chí khi người dân chậm đóng vì thắc mắc, cơ quan điện lực lại phát thông báo “dọa” kiện ra tòa nếu không đóng đủ là sai hoàn toàn. TS Bình nhấn mạnh: “Chỉ số điện tăng mà không được báo cho người tiêu dùng trước là trách nhiệm của ngành điện lực. Những vụ việc số tiền điện tăng hàng chục lần nói trên, nhân viên vẫn điềm nhiên ra hóa đơn, lãnh đạo vẫn ký đầy đủ chứng tỏ cách làm việc quá vô trách nhiệm. Cần có cơ quan quản lý cao hơn xử lý trách nhiệm của ngành chứ không phải trong ngành “đóng cửa bảo nhau” mãi được”.
Theo TS Nguyễn Nhật Nam, Trưởng bộ môn hệ thống điện (Khoa Điện - điện tử, Trường đại học Bách khoa TP.HCM), để giảm tổn thất điện năng trong gia đình, cần xây dựng thói quen tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng, tốt nhất là ngắt nguồn vì một số thiết bị điện khi tắt ở trạng thái ngủ vẫn tiêu tốn điện. Phòng có máy lạnh cần chú ý vấn đề cách nhiệt, thường xuyên vệ sinh và bảo trì định kỳ máy lạnh, nhiệt độ chỉnh tốt nhất là 27 độ C. Các thiết bị điện quá cũ nên thay càng sớm càng tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.