Lộ trình trên được lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia khẳng định tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức sáng nay, 14.11.
Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư, nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
Theo ông Phát, Ban Kinh tế T.Ư đã được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng Đề án quốc gia về “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam”, dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm nay.
Ông Phát cho rằng, nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.
Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21.
Dẫn số liệu tính toán của các chuyên gia, theo ông Phát, đến năm 2035, công nghệ 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỉ USD trên toàn thế giới. Tại Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia khác vẫn diễn ra cuộc đua giành vị trí tiên phong, trở thành người xác lập, kiểm soát mô hình, tạo dựng kiến trúc và thiết kế nền tảng hoạt động của mạng di động 5G.
Trung Quốc đã tạo ra “cơn sóng thần 5G”, đe dọa vị trí tiên phong dẫn đầu của Mỹ, quốc gia này kêu gọi 400 tỉ USD tới năm 2020 để phát triển hạ tầng 5G. Việt Nam ở đâu trong cuộc đua 5G và lựa chọn của Việt Nam là gì. Làm sao để chúng ta tạo ra cơn sóng thần của riêng mình? Đó là những câu hỏi mà Ban Kinh tế T.Ư đặt ra với lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông và các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo.
Năm 2019 thử nghiệm, chính thức triển khai năm 2020
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ năm 2010, khi thế giới xuất hiện công nghệ 4G, đến nay Việt Nam chưa cấp được tần số mới.
Mạng 4G khai trương năm 2017 mới chỉ là dồn tần số 3G. Trước kia, mạng di động của Việt Nam từng lọt vào tốp 20 thế giới, nhưng sau do sự chậm chân trong phát triển 3G, 4G, đi sau và thiếu công nghệ nên đã rơi xuống thứ 100.
“Công nghệ 5G đang tới là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng, muốn thế phải đi đầu, chưa đi được cả nước thì phải đi đầu ở Hà Nội và TP.HCM. Bộ sẽ cấp 5G thử nghiệm từ năm 2019, đến năm 2020 Việt Nam cũng sẽ là nước đầu tiên triển khai 5G phát triển thương mại cùng thế giới”, ông Hùng khẳng định.
Để hiện thức hoá tham vọng này, theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, trước kia, các thiết bị 2G, 3G của Việt Nam 100% nhập ngoại, khi làm 4G đã sản xuất được một số linh kiện. Tuy nhiên, với 5G, bằng sự chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng ngay từ đầu triển khai, vào năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động được và không phải nhập khẩu. Đây là sự thay đổi lớn và ý nghĩa nhất, sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà.
“Việt Nam phải trở thành nước thứ 5 thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông đầu cuối Made in Viet Nam”, ông Hùng khẳng định, và lưu ý muốn như vậy thì các nhà mạng di động phải nhận thức được trách nhiệm của mình với đất nước và dân tộc.
“Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì 5G phải đi trước, đầu tiên mạng lưới, đầu tư trước và kinh doanh sau”, ông Hùng nói thêm.
Bình luận (0)